ĐBSCL bị xâm nhập mặn: Tác động từ thượng nguồn

Nước mặn lấn sâu vào đất liền khu vực ĐBSCL do tác động từ thượng nguồn và do biến đổi khí hậu.

Ngày 24/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri của huyện Cái Răng và huyện Phong Điền.

Một vấn đề lớn được cử tri Cần Thơ đặt nhiều câu hỏi là tình hình hạn mặn ở ĐBSCL.

Tại quận Cái Răng, cử tri Dương Văn Bé, phường Lê Bình bày tỏ quan tâm về tình hình nước mặn tràn lên vùng nước ngọt, sạt lở bờ sông vùng ĐBSCL; khai thác cát, khai thác rừng, sạt lở núi; bão lũ miền Trung... gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Bày tỏ quan tâm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cử tri cho rằng, do chuyển đổi mục đích sử dụng nên diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Cử tri mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng ĐBSCL để cải thiện đời sống nhân dân...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: SGGP  
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: SGGP  
 

Chia sẻ với ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội rất quan tâm đến những vấn đề này. Thiên tai xảy ra tại nhiều vùng trong cả nước ngay từ đầu năm, rồi đến đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua, nguyên nhân do tự nhiên và cả từ con người.

Những vấn đề này, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và có những chỉ đạo kịp thời. Quốc hội ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, Chính phủ thực hiện làm sao để giảm bớt thiệt hại do tự nhiên và con người tác động đến.

Kỳ họp thứ 10 vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), hy vọng sau khi có hiệu lực, Chính phủ, các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan... sẽ thực hiện theo đúng luật và công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai ngày càng hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện nay hệ thông giao thông ĐBSCL đã và đang được đầu tư. Tuy nhiên, khu vực ĐBSCL có nền đất yếu, do đó chi phí làm đường cao hơn miền Đông Nam Bộ và những vùng có nền đất cứng.

Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư 40km cao tốc TP.HCM-Trung Lương; hết năm 2020, dự kiến thông tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; dự án cầu Mỹ Thuận 2 nhằm kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ, sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối một trục chính tuyến cao tốc dài từ TP.HCM đi Cần Thơ. Những dự án này đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới.

Tại huyện Phong Điền, trước sự quan tâm của cử tri về giải pháp cho tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Chủ tịch Quốc hội cho biết là nước nằm ở hạ nguồn sông Mekong nên Việt Nam bị tác động từ thượng nguồn. Nước mặn đã lấn sâu hơn 100km vào đất liền khu vực ĐBSCL. Tình hình nước biển dâng, xâm nhập mặn còn có nguyên nhân nữa là do biến đổi khí hậu.

Chia sẻ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, có tính nhiều đến việc ứng phó với vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng các bộ ngành sẽ có những giải pháp cụ thể như dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé..., để chống xâm nhập mặn và thoát lũ cho vùng đồng thời sản xuất nông nghiệp cũng cần thay đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng.

Minh Thái

Theo Báo Đất Việt