Để tránh rủi ro pháp lý, doanh nghiệp không thể mơ hồ về Luật Cạnh tranh
Nhiều quy định của Luật Cạnh tranh đến nay vẫn là những vấn đề còn khá mới mẻ đối với doanh nghiệp, trong đó nổi lên là những cam kết về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại tự do, những khuyến nghị cần có đối với doanh nghiệp nhằm tuân thủ pháp luật cạnh tranh…
Cạnh tranh trên thị trường Việt Nam ngày càng trở nên gay gắt
Ngày 14/7, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (thuộc Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức hội thảo phổ biến chính sách, pháp luật về cạnh tranh với chủ đề “Chính sách, pháp luật về cạnh tranh – Một số vấn đề cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần biết và quan tâm”.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã trao đổi, chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước địa phương và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn các quy định pháp luật về cạnh tranh; đặc biệt là làm thế nào để vận dụng pháp luật về cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và bảo vệ lợi ích của DN.
Hội thảo phổ biến chính sách, pháp luật về cạnh tranh do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức ngày 14/7.
Ngoài ra, các cam kết về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, kiến thức về pháp luật cạnh tranh của một số quốc gia trên thế giới cũng được giới thiệu tại hội thảo để hỗ trợ các DN, nhất là DN đã và đang có kế hoạch vươn ra thị trường quốc tế có thể cạnh tranh bình đẳng, công bằng không chỉ trên sân nhà mà còn ở các thị trường trong khu vực và trên toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, dưới tác động của suy thoái kinh tế tại một số khu vực và những biến động địa chính trị trên thế giới trong thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có triển vọng là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng lợi thế của một thị trường xấp xỉ 100 triệu dân, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường chính trị ổn định, là nền kinh tế đang phát triển, có khả năng kết nối cao chuỗi cung ứng khu vực thông qua 15 hiệp định thương mại tự do đang thực thi và một số hiệp định đang đàm phán.
Trước tình hình này, hoạt động tập trung kinh tế bao gồm các hình thức mua bán, sáp nhập, hợp nhất, liên doanh giữa các DN ngày càng trở nên sôi động do là một trong những phương thức nhanh chóng và hiệu quả đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhằm nâng cao hiệu quả của DN.
“Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh giữa các DN trên thị trường Việt Nam cũng ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như công tác tố tụng cạnh tranh. Luật Cạnh tranh ra đời năm 2004, được sửa đổi năm 2018 đến nay đã góp phần đáng kể thiết lập môi trường kinh doanh, đầu tư công bằng, bình đẳng, lành mạnh và minh bạch ở Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh là hết sức cần thiết
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Hữu Hạnh, Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 là công cụ để nhà nước điều tiết thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và quyền tồn tại bình đẳng của các DN, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, tự do giữa các chủ thể trên thị trường.
Ngoài việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN, Luật Cạnh tranh còn giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trước những hành vi không lành mạnh trong kinh doanh của các DN.
Cùng với đó, trong quan hệ thương mại quốc tế, pháp luật cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng bảo vệ sự lành mạnh và khả năng phát triển tự thân của nền kinh tế nội địa, thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, hiệu quả trên tinh thần phát triển lợi thế so sánh của từng thị trường thành viên các hiệp định thương mại tự do.
Để việc thực thi Luật Cạnh tranh đạt hiệu quả, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho rằng một mặt đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia với các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương và cả cấp địa phương; mặt khác đòi hỏi DN nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cạnh tranh, tăng cường vận dụng các quy định này để bảo vệ lợi ích của mình trong kinh doanh.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, nhiều quy định của Luật Cạnh tranh đến nay vẫn là những vấn đề còn khá mới mẻ và phức tạp đối với các cơ quan quản lý nhà nước và DN, đặc biệt là trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế có sự thay đổi, biến động.
Trong đó nổi lên là những cam kết về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh và tuân thủ pháp luật cạnh tranh; những khuyến nghị cần có đối với các DN nhằm tuân thủ pháp luật cạnh tranh…
“Những kiến thức thiết thực và hữu ích về pháp luật cạnh tranh sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ và thực thi đúng hơn công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh tại địa phương; đồng thời giúp DN lưu ý trong hoạt động kinh doanh để tránh các hành vi vi phạm liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN, tránh các rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại, đầu tư ra nước ngoài”, ông Nguyễn Hữu Hạnh nhấn mạnh.