Đề xuất cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu kỳ hạn tới 20 năm
(CL&CS) - Chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển nguồn vốn cho bất động sản: Dư địa và gợi ý các giải pháp bền vững”, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất nên kéo dài kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp như trái phiếu Chính Phủ để nguồn vốn này sẽ trở nên vững chắc hơn.
Trái phiếu là dòng vốn trung - dài hạn phục vụ đắc lực cho các doanh nghiệp bất động sản, tuy nhiên dòng vốn này đang có tình trạng đình trệ. Trong những tháng gần đây, trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
TS.Lê Xuân Nghĩa thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cho biết, thời gian tới sẽ có hàng trăm ngàn tỷ trái phiếu tới thời hạn đáo hạn. Nếu các doanh nghiệp không phát hành được trái phiếu để đảo nợ thì tình trạng vỡ nợ trái phiếu có thể xảy ra ở một bộ phận khá lớn các doanh nghiệp, gây tác động xấu cho cả thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là ngân hàng và thị trường chứng khoán.
Ông cho hay: “Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những nguồn vốn trung - dài hạn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm vừa qua. Tốc độ tăng bình quân khoảng 35%/năm. Tổng dư nợ trái phiếu hiện khoảng 1.400.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng như vậy, trong khoảng 6 năm nữa, trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở thành kênh vốn trung - dài hạn lớn nhất, thậm chí lớn hơn cả ngân hàng”.
Trong bối cảnh nguồn vốn trung - dài hạn từ ngân hàng đang ngày càng thu hẹp để hạn chế rủi ro, chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ phát triển trái phiếu doanh nghiệp lên.
Ông cũng đề xuất giải pháp nhằm đảm bảo nguồn vốn phát triển bền vững cho thị trường trái phiếu là cần có cơ sở pháp lý vững chắc, dài hạn và có xếp hạng tín nhiệm trái phiếu giữa các doanh nghiệp
Từ nay đến cuối năm có 112.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu đáo hạn. Trong số tổng dư nợ trái phiếu, có 700.000 - 800.000 tỷ đồng của doanh nghiệp bất động sản - vô cùng lớn.
"Trái phiếu Chính phủ trước đây không thể phát hành kỳ hạn dài được, chỉ một năm hoặc ba năm, mà giải ngân đầu tư công chưa xong đã đáo hạn trái phiếu rồi. Chính phủ đã phải hạ quyết tâm đẩy kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lên 5 - 10 năm, thậm chí 30 năm. Trong vòng 3 năm chúng ta đã làm được điều đó.
Nếu chúng ta làm được như vậy với trái phiếu doanh nghiệp thì quá tốt. Doanh nghiệp có thể vay với thời hạn 5 - 20 năm thì chúng ta sẽ có thị trường vốn trung - dài hạn vững chắc", TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, muốn làm được như vậy, cần minh bạch, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu để tạo lòng tin với người mua.