Có nên xây sân bay thứ hai tại Hà Nội?
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội mới đây có đề xuất phương án xem xét bố trí xây dựng sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa. Liệu việc xây dựng sân bay thứ hai tại khu vực này có điều gì cần phải cân nhắc?
Mới đây, câu chuyện đầu tư hạ tầng sân bay tại Thủ đô nóng lên khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội kiến nghị cơ quan chức năng xem xét xây dựng sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, phía Nam Thành phố.
Theo đề án, Sở này cho rằng, phương án bố trí sân bay thứ hai tại khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều ưu điểm về kết nối giao thông, tiếp cận đồng thời với cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy và đường sắt; thuận lợi về giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển; đồng thời có khả năng tạo động lực mới cho Thủ đô…
Về nhược điểm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ ra rằng khu vực đề xuất làm sân bay có tuyến đường điện 500kV Thường Tín - Nho Quan cắt qua.
Liên quan đến đề xuất này, nhiều chuyên gia đã có những phân tích, đánh giá và hầu hết đều cho rằng khó khả thi.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông nhận định, lựa chọn xây dựng sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa có nhiều điểm bất hợp lý. Xét dưới góc độ địa lý, huyện Ứng Hòa nằm quá gần trung tâm Thủ đô Hà Nội, chỉ cách khoảng 20 - 30km nên nếu đặt sân bay ở đây sẽ có nhiều hệ lụy không tốt đối với quá trình phát triển đô thị của Hà Nội.
Vị chuyên gia cho rằng, việc xây dựng sân bay ở xa trung tâm Thành phố hơn sẽ có tác dụng hạn chế tiếng ồn, giảm ách tắc giao thông và hỗ trợ phát triển đô thị ở khu ngoại vi. Đồng thời, điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng…
Theo TS. Thuỷ, Ứng Hòa là vùng nông nghiệp, đất đai phì nhiêu nên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Nếu đặt sân bay ở khu vực này sẽ chiếm dụng nhiều đất đai sản xuất nông nghiệp. Điều đó là vô cùng lãng phí.
Vì vậy, nếu Hà Nội lựa chọn xây dựng sân bay thứ hai ở những vùng có đất đai cằn cỗi thì sẽ hợp lý hơn, có thể là vùng trung du hoặc vùng núi của Vĩnh Phúc, Phú Thọ hay Thái Nguyên.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận, việc xây dựng một sân bay thứ hai cho Hà Nội có đôi chút vội vàng. Bởi hiện nay, sân bay duy nhất của Hà Nội là sân bay Nội Bài vẫn chưa bị quá tải nghiêm trọng. Quỹ đất tại khu vực xung quanh vẫn còn tương đối thoải mái. Vì vậy, Hà Nội nên ưu tiên mở rộng quy mô và tăng công suất của sân bay Nội Bài, thay vì xây dựng thêm một sân bay mới.
Theo TS. Phan Lê Bình, giảng viên Chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật Hạ tầng, Trường Đại học Việt Nhật (VJU), việc xây dựng sân bay mới ở Thủ đô không chỉ là xây dựng một sân bay đơn thuần, mà còn cần xây dựng đường kết nối giữa sân bay với trung tâm đô thị.
Hiện nay, sân bay Nội Bài kết nối với trung tâm Hà Nội đang quá tải bởi lưu lượng ô tô tăng lên quá nhanh, cần thiết phải có cả một hệ thống giao thông công cộng được đầu tư bài bản. Trong khi đó, việc xây dựng sân bay ở Ứng Hòa cũng không thuận tiện kết nối giao thông vào trung tâm. Kịch bản quá tải, tắc đường có thể sẽ lặp lại khi chỉ có một con đường bộ kết nối duy nhất.
TS. Phan Lê Bình cho phân tích: “Việc đầu tư xây dựng sân bay là công trình đầu tư công vô cùng lớn, đi kèm sẽ là hạ tầng giao thông kết nối cũng vô cùng lớn. Nếu nói về đầu tư công cho giao thông, tính đến nay, đường bộ cao tốc tại Việt Nam mới hoàn thành được 20% tổng quy hoạch. Trong bối cảnh đất nước đang khó khăn, mà nhu cầu chưa cấp thiết, lại chi thêm vài tỷ USD cho xây dựng sân bay này, e rằng ngân sách không thể đáp ứng được”.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất xây dựng sân bay ở Ứng Hòa là chưa thuyết phục. Hà Nội nên tính đến kiện toàn, mở rộng sân bay Nội Bài. Không thể so sánh khu vực Đồng bằng sông Hồng như các tỉnh Đông Nam Bộ, bởi các tỉnh này là vùng công nghiệp phát triển rất mạnh. Hà Nội mới chỉ đang phát triển dựa vào “mác” Thủ đô.
GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Sân bay Nội Bài là quy hoạch chiến lược từ trước đây, với khoảng cách từ sân bay tới trung tâm Hà Nội hiện nay là vừa phải. Hãy tập trung vào đây, không bắt chước Long Thành. Đừng nghĩ đến xây dựng sân bay mới ở Hà Nội, đừng tốn đầu tư công vào những chuyện chưa cần thiết”.
Một điểm nữa mà GS. Đặng Hùng Võ lưu ý, đó là chuẩn bị nguồn vốn đầu tư cho sân bay thứ hai khá phức tạp. Hiện, thu ngân sách đang hụt bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tình trạng này có thể sẽ kéo dài trong một vài năm tới để đạt đến mức hồi phục. Có thể thấy, câu chuyện phát triển kinh tế của Việt Nam còn nhiều vướng mắc, chưa cần đầu tư sân bay mới.
Được biết, các chuyên gia còn thống nhất quan điểm rằng Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải cần tính toán chi tiết, đưa ra dự đoán cụ thể về tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách hàng không. Vị trí xây sân bay cũng cần được đánh giá một cách tổng thể, có sự tham gia của các bộ, ngành và địa phương trong Vùng Thủ đô. Ngoài ra, xây sân bay còn phải kết nối đường sá, hệ thống trung chuyển, kết nối với đường sắt đô thị, các tuyến metro, xe buýt./.
Tuệ An
Theo Reatimes/Link: https://reatimes.vn/co-nen-xay-san-bay-thu-hai-tai-ha-noi-1601892351655.html#photo-1