Ứng Hòa: Hiệu ứng 'sân bay thứ hai tại Hà Nội', giá đất nền không 'sốt' như lời đồn?
Thời gian gần đây với thông tin Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội kiến nghị UBND TP. Hà Nội đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải xem xét bố trí phương án xây dựng sân bay thứ hai Hà Nội tại Ứng Hòa, thị trường đã rộ lên những tin đồn rằng đất nền ứng hòa đang tăng mạnh nhờ “ăn theo” quy hoạch.
Đề xuất xây dựng sân bay thứ hai Hà Nội tại huyện Ứng Hòa
Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội vừa kiến nghị UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội (ngoài việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm).
Theo Sở QHKT, hiện nay, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT triển khai theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 4/3/2020. Trong đó, có yêu cầu đánh giá việc phát triển mở rộng các cảng hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không hiện hữu lớn như: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Long Thành... để có định hướng dự trữ đất đai phục vụ phát triển (thêm đường cất hạ cánh, công trình dịch vụ) hoặc nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới.
Trong Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5/8/2008, dự kiến sân bay thứ hai của Vùng (sân bay quốc tế Nam Hà Nội) sẽ đặt tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở QHKT thành phố Hà Nội, vị trí trên có khoảng cách và thời gian tiếp cận đến trung tâm Hà Nội hợp lý, tương tự với sân bay Long Thành về TPHCM. Kết nối giao thông thuận lợi thông qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A hiện có và tiếp giáp đường trục phía Nam (đang thi công); đồng thời lâu dài sẽ được bổ sung cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5B (nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 5B), các trục đường chính của thành phố Hà Nội (đường Đỗ Xá - Quan Sơn, trục Bắc - Nam, đường Ngọc Hồi- Phú Xuyên).
Ngoài ra, vị trí được chọn quy hoạch còn có khả năng tiếp cận đồng thời cả 3 loại hình giao thông: đường bộ, đường thủy (cảng Vạn Điểm trên sông Hồng) và đường sắt (tuyến Hà Nội - TPHCM, lâu dài sẽ kết nối với đường sắt cao tốc Bắc - Nam). Đặc biệt, thuận lợi để giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển, có khả năng bố trí được sân bay với diện tích khoảng 1.300 ha (tương tự quy mô sân bay Nội Bài với công suất 50 triệu hành khách/năm), trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp, ít khu dân cư.
Giới đầu cơ liên tục “thổi giá” đất nền tại Ứng Hòa sau khi có đề xuất xây dựng sân bay
Ngay sau khi có thông tin về việc xây dựng sân bay phía Nam Hà Nội tại Huyện Ứng Hòa, trên các trang rao vặt địa ốc có chung một “giọng văn” là giá đất tăng cao, kiểu “giá đất ban đầu ở xã Hòa Nam ở vị trí đẹp nhất chỉ vào khoảng 10 triệu đồng/m2, nhưng những ngày qua tăng từng ngày, ban đầu là tăng 14 triệu đồng/m2 rồi lên 20 triệu đồng, hiện tại là 25 triệu đồng/m2”...
Mặc dù mới chỉ là kiến nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc gửi thành phố xem xét, giao đơn vị liên quan xây dựng dự thảo của Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội. Tuy nhiên, thông tin trên đã khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm đất đai ở khu vực Ứng Hòa.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn xác nhận lượng tìm kiếm đất ở khu vực Ứng Hòa trên trang của đơn vị ông đã lập tức tăng.
Cùng chia sẻ về việc “sốt đất” tại Ứng Hòa, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Việc Hà Nội đề xuất làm sân bay ở Ứng Hòa thì cũng giống như cách đây vài năm TP.HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng giá đất lên xuống nhiều lần về việc sốt đất, thậm chí lừa đảo xảy ra liên tục ở khu vực Long Thành. Hiện tượng đó liệu có tái xuất hiện ở thị trường Ứng Hòa hay không, tôi cho rằng hoàn toàn có thể nếu chúng ta không kiểm soát tốt. Và đây mới chỉ là đề xuất và đề xuất này có được đồng ý hay không còn là vấn đề. Để thông qua vấn đề này còn rất lâu, 2-3 năm không thể giải quyết được mà có khi đến 5 năm, thậm chí chục năm nữa mới trở thành hiện thực nếu Hà Nội kiên quyết bảo vệ.”
Ông Đính nói thêm: “Hà Nội khi đưa vấn đề này ra thì cũng phải lường được bài học về cơn "sốt đất" như ở Long Thành, có biện pháp quản lý, kiểm soát các hoạt động về đất đai ở địa phương để tránh vấn đề như ở Ba Vì, mới đây nhất là ở Thạch Thất hay một số huyện chuẩn bị lên quận. Như thế chúng ta sẽ bị rối, và sẽ làm xấu bản chất của thị trường, ảnh hưởng không tích cực đến việc phát triển ổn định của thị trường bất động sản”.
Giá đất tại Ứng Hòa lại không thực sự “sốt” như lời đồn?
Qua khảo sát thực tế, dường như tại Ứng Hòa lại chưa hình thành thị trường bất động sản. Quanh trung tâm UBND huyện rất nhiều các hàng quán, biển quảng cáo, dịch vụ ăn uống, buôn bán, shop quần áo, điện tử… nhưng rất khó để tìm được một văn phòng giao dịch bất động sản.
Thực tế này khác hẳn so với những khu vực “nóng” về bất động sản như Hòa Lạc, Ba Vì, Đông Anh hay Hoài Đức…, khi mà chỉ cần đặt chân đến là thấy đầy rẫy biển quảng cáo, văn phòng giao dịch, tư vấn bất động sản…
Thậm trí người dân tại đây vẫn còn mơ hồ về việc sắp tới sẽ có sân bay được xây dựng tại huyện mình.
Một chủ quán nước kinh doanh gần UBND huyện Ứng Hòa cho biết: “Sân bay nào, tôi bán hàng nước ở đây hàng ngày, tiếp xúc bao nhiêu người, nhưng có thấy ai nói đến quy hoạch sân bay hay mua bán đất cát nào đâu”.
Cũng trao đổi về vấn đề này, anh Dũng một chủ quán ăn tại Thị trấn Vân Đình cho biết “Tôi có nghe đến đề xuất làm sân bay, nhưng đấy cũng chỉ là quy hoạch thôi. Còn đất thì gần như chả có ai mua bán gì, cùng lắm chỉ những người dân mua để ở chứ không có thị trường giao dịch. Cả thị trấn bây giờ còn không có một văn phòng giao dịch đất đai thì lấy ai mua bán. Vì đất ở đây rộng nên dân bản địa ít có nhu cầu mua bán, giao dịch. Tôi cũng nghe mấy anh bạn bảo có mấy môi giới từ các quận, huyện ở Hà Nội về, họ trả rất cao lên đến 60 triệu đồng/m2, nhưng không biết có xuống tiền hay không. Trong khi đất vị trí đẹp, khu chúng tôi cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2”.
Ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất xanh miền Bắc cũng có những chia sẻ về việc “sốt” đất tại Ứng Hòa. Ông Quyết cho rằng: “Thực ra các thông tin về sốt đất ở Ứng Hòa sau khi có đề xuất quy hoạch sân bay là không có cở sở, không đủ độ tin cậy, bởi Ứng Hòa là khu vực xa và trái tuyến giao thông so với Hà Nội. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa có các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn. Do đó, ở khu vực này chưa hình thành thị trường địa ốc, có chăng chỉ các giao dịch nhỏ lẻ, mua đi bán lại của người dân với nhau”
Cũng theo ông Quyết “Nếu Ứng Hòa được quy hoạch làm sân bay thì đất khu vực này cũng khó “tạo sóng”, phần vì nơi đây chưa đáp ứng đủ các điều kiện để thị trường địa ốc phát triển, đồng thời các nhà đầu tư, người dân quá quen với các “làn sóng” đầu tư “ăn theo” quy hoạch và đã gặp nhiều bài học đắt giá như ở các đặc khu kinh tế, Mê Linh, Đông Anh… nên sẽ dè chừng. Ngay như sân bay Long Thành, chúng tôi có dự án gần đấy, nhưng cũng rất khó giao dịch”!
Vĩnh Linh (T/H)
Sở hữu trí tuệ/ Link: https://sohuutritue.net.vn/ung-hoa-hieu-ung-san-bay-thu-hai-tai-ha-noi-gia-dat-nen-khong-sot-nhu-loi-don-d83928.html