Đề xuất cho VAMC thu mua nợ xấu của các TCTD nước ngoài

NHNN đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53, cho phép VAMC mua nợ xấu từ các tổ chức tín dụng liên doanh, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhằm nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu.

Mới đây, NHNN đã trình Chính phủ tờ trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi Nghị định 53 là bổ sung, mở rộng thêm phạm vi hoạt động mua nợ xấu của VAMC.

Cụ thể, NHNN cho hay, Nghị định 53 hiện chưa có quy định biện pháp cụ thể để VAMC mua các khoản nợ xấu của TCTD liên doanh, TCTD 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo giá trị thị trường theo quy định tại khoản 1 Điều 197 Luật các TCTD năm 2024.

Do vậy, NHNN đề xuất bổ sung giải pháp xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng liên doanh, 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Việc mở rộng phạm vi mua nợ xấu cũng giúp VAMC mua nợ theo giá thị trường từ các tổ chức này, góp phần bảo đảm công bằng, tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ phát triển hệ thống tín dụng và giữ ổn định tài chính, kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đề xuất bỏ quy định phê duyệt phương án mua nợ theo giá thị trường và mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Hiện Nghị định 53 yêu cầu NHNN phê duyệt riêng lẻ từng phần trong kế hoạch kinh doanh hằng năm của VAMC, dẫn đến chồng chéo và làm tăng thủ tục hành chính. Việc sửa đổi này nhằm lược bỏ yêu cầu phê duyệt riêng các phương án mua nợ, vì nội dung này đã nằm trong kế hoạch kinh doanh hằng năm mà VAMC trình NHNN phê duyệt với vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Điều này sẽ giúp giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của VAMC.

Theo NHNN, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 là cần thiết, đảm bảo các quy định về tổ chức, hoạt động của VAMC.  
Theo NHNN, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 là cần thiết, đảm bảo các quy định về tổ chức, hoạt động của VAMC.  

Trong tờ trình gửi Chính phủ, NHNN cho biết, Nghị định 53/2013/NĐ-CP (và các lần sửa đổi, bổ sung qua Nghị định 34/2015/NĐ-CP, Nghị định 18/2016/NĐ-CP) được ban hành dựa trên các luật như: Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các quy định liên quan.

Tuy nhiên, đến nay, các luật trên đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các luật mới (như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2025…). Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 là cần thiết để bảo đảm phù hợp với pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có kế thừa một số quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm từ Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Nghị quyết 42, tuy nhiên không đề cập đến việc VAMC được thu giữ tài sản bảo đảm như trước đây. Vì vậy, NHNN cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 để đảm bảo thống nhất với các quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương về tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đặc biệt là Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 yêu cầu rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy định về hoạt động của VAMC và DATC để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu.

“Từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 53 là cần thiết, đảm bảo các quy định về tổ chức, hoạt động của VAMC phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn”, NHNN cho biết.

Theo Nghị định 53, VAMC được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2013, với 100% vốn của nhà nước. Theo số liệu mới nhất, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 của VAMC là 489 triệu đồng.

Luỹ kế từ khi thành lập (năm 2013) đến 30/6/2024, VAMC đã mua nợ xấu đạt 442.512 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ đạt 406.899 tỷ đồng (trong đó: mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 428.761 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua 392.991 tỷ đồng; mua nợ xấu theo GTTT đạt 13.751 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua nợ 13.908 tỷ đồng).

Về xử lý, thu hồi nợ, đối với nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, luỹ kế từ khi thành lập đến 30/6/2024, VAMC đã xử lý nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt ước đạt 346.539 tỷ đồng dư nợ gốc.

Đối với nợ mua theo giá trị thị trường, luỹ kế đến 30/6/2024, VAMC đã xử lý 10.704 tỷ đồng dư nợ gốc từ khoản nợ mua theo GTTT, tỷ lệ dư nợ gốc xử lý trên tổng dư nợ gốc đã mua đạt 78%.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance