Đề xuất sáp nhập tỉnh: Tính toán thế nào?

Phải xác định rõ mục tiêu, lên phương án thận trọng, tránh gây những xáo trộn không cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính của Bộ Nội vụ chia đơn vị hành chính cấp tỉnh làm hai loại, với hai tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập một số tỉnh. Ảnh minh họa  
Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập một số tỉnh. Ảnh minh họa  
 

Cụ thể, đối với tỉnh miền núi, vùng cao điều kiện để không phải sáp nhập: có quy mô dân số từ 900 nghìn người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi: có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên. Đối với tiêu chuẩn của “thành phố thuộc thành phố” (như Thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM), có quy mô dân số từ 250 nghìn người và diện tích tự nhiên từ 150 km2 trở lên…

Theo Bộ Nội vụ, các đơn vị hành chính được rà soát, đánh giá theo từng tiêu chuẩn. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên thì tiến hành sáp nhập theo quy định.

Nêu quan điểm về việc này, PGS.TS Võ Kim Sơn - nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, việc tách - nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh là việc bình thường nếu đáp ứng được nguyên lý hoạt động hiệu quả hơn. Việc tách - nhập phải thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

"Việc tách một đơn vị hành chính thành nhiều đơn vị hành chính khác xuất phát từ thực tế có những đơn vị hành chính quá lớn, bộ máy điều hành quá cồng kềnh, trong khi người đứng đầu bộ máy không đủ khả năng để bao quát hết công việc, khiến hoạt động không hiệu quả. Lúc này, sẽ có kiến nghị tách một đơn vị thành 2 hoặc 3 đơn vị khác hoạt động độc lập với đơn vị hành chính cũ.

Ví dụ, sau khi sáp nhập 3 tỉnh thành một tỉnh như Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh thì thấy rằng quy mô một đơn vị hành chính là quá lớn, việc quản lý, điều hành gặp nhiều khó khăn, khi đó, đã có đề xuất tách ra thành 3 tỉnh, với quy mô nhỏ hơn, quản lý dễ dàng hơn.

Tương tự, khi sáp nhập một hay nhiều đơn vị hành chính thành một đơn vị hành chính lớn cũng vì mục đích quản lý dễ dàng, thuận lợi, hiệu quả.

Ví dụ, nhiều đơn vị hành chính có quy mô nhỏ, bộ máy quản lý cồng kềnh, dân số ít, trong khi công việc đòi hỏi có sự phối kết hợp, cùng xử lý thì sẽ có những tính toán sáp nhập lại với nhau thành một tổ chức lớn hơn, trong đó các chức năng hoạt động được gộp từ cả hai hay nhiều đơn vị hành chính trước đây chưa gộp lại.

Việc sáp nhập này vừa giúp tinh gọn bộ máy, giảm nhân sự thừa, phối kết hợp điều hành, quản lý hiệu quả hơn", PGS Võ Kim Sơn giải thích.

Theo vị chuyên gia, thực tế, việc tách - nhập các đơn vị hành chính tại Việt Nam thời gian qua vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, kể cả việc tách - nhập xã, quận, huyện cho tới tỉnh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại thực trạng cứ nhập vào không hiệu quả thì lại tính tới chuyện tách ra, tách ra không hiệu quả thì lại nhập vào.

Vì thế, PGS Võ Kim Sơn cho rằng, để tránh gây những xáo trộn không cần thiết, đề xuất sáp nhập các tỉnh lần này của Bộ Nội vụ phải có tính toán, cân nhắc rất kỹ.

Thứ nhất, phải xác định rõ mục tiêu của việc sáp nhập các tỉnh là gì? Làm sao để không quay lại tình trạng nhập vào rồi lại phải tách ra?

"Ví dụ như ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trước kia, từng có đề xuất đưa thành phố Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu theo xu hướng này thì tỉnh Thừa Thiên Huế đang có xu hướng tách ra, như vậy, nếu tách hay nhập thì sẽ tách - nhập thế nào? Liệu có tách thành phố Huế thành thành phố riêng trực thuộc Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh riêng không? Hay nếu sáp nhập thì có đưa thành phố Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương hay không?", vị chuyên gia nêu ví dụ.

Thứ hai, qua các đợt thí điểm sáp nhập một số huyện, xã nhỏ với nhau đã cho kết quả tích cực ban đầu. Chẳng hạn, việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã giúp cắt giảm được nhiều đầu mối đơn vị hành chính cấp huyện, xã, phường... giảm được sự cồng kềnh của bộ máy.

Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế nhất định như sẽ dôi dư nhân sự, dư thừa trụ sở... Những vấn đề này đã được rút kinh nghiệm, khắc phục và xử lý như thế nào?

"Từ sáp nhập huyện, xã, giờ nâng lên để sáp nhập tỉnh thì các vấn đề này phải tính toán ra sao? Bài học kinh nghiệm được rút ra thế nào để không mắc phải những khó khăn cũ?

Tôi cho rằng vẫn cần phải có nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể", vị chuyên gia nhận định.

Vấn đề thứ ba, trên thế giới việc tách - nhập các đơn vị hành chính trên thế giới hiện cũng có rất nhiều nước thực hiện. Thế nhưng, bên cạnh xu hướng này, cũng có nhiều quốc gia lại rất cố gắng muốn giữ nguyên cơ cấu phân bổ đơn vị hành chính cũ thay vào đó sẽ có những điều chỉnh khác nhằm bảo đảm duy trì sự hoạt động ổn định cho các đơn vị hành chính địa phương như Nhật, Trung Quốc, Thái Lan hay Lào.

"Do đó, việc sáp nhập như thế nào thì phải xác định rõ mục tiêu, bảo đảm hoạt động hiệu quả, giữ vững tính ổn định cho các hoạt động trên địa bàn", vị chuyên gia lưu ý.

Thái Bình

Theo DDaasrt Việt