Đề xuất thêm sân golf ở Kon Tum: Liệu có bất cập?
Kon Tum vừa kêu gọi đầu tư hai dự án sân golf, chuyên gia lo ngại nhiều bất cập.
Chưa có trong quy hoạch?
Ngày 24/6, trao đổi với Đất Việt, ông Ngô Việt Thành, Giám đốc Sở KH-ĐT Kon Tum cho biết, cơ quan này đang trình UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt danh mục dự án kêu gọi xây dựng hai sân golf Măng Đen và dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum vào Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Ông Thành cho biết, dự án sân golf Măng Đen có vị trí tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với tổng diện tích đất khoảng 64,6 ha. Quy mô đầu tư xây dựng là sân Golf 18 lỗ. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 600 tỷ đồng.
Trong khi đó, Khu du lịch - đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum có quy mô tổng diện tích đất khoảng 74,27 ha. Quy mô đầu tư xây dựng của dự án là sân Golf 18 lỗ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700 tỷ đồng.
Đáng nói, Kon Tum kêu gọi đầu tư sân golf tại thành phố Kon Tum khi dự án chưa có trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt gây nhiều băn khoăn.
Cụ thể, tại quy hoạch dự án sân golf trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 và Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum có 1 dự án sân golf được quy hoạch, đó là Sân golf Công ty cổ phần Sài Gòn - Măng Đen tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Giải thích về điểm này, ông Thành cho biết, quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng ký phê duyệt đã chính thức hết hiệu lực. Mặt khác, đây mới là danh mục dự án kêu gọi đầu tư đề xuất trình UBND tỉnh, chưa được UBND tỉnh phê duyệt.
"Dự án mới ở giai đoạn khảo sát, xin ý kiến, còn thực hiện thế nào, có được đưa vào quy hoạch hay không phải được thực hiện lấy ý kiến theo đúng quy trình", Giám đốc Sở KH-ĐT Kon Tum giải thích.
Nhiều bất cập
Nhìn nhận một cách toàn diện hơn, TS Lê Văn Bảy - chuyên gia kinh tế, chuyên gia logistics cho rằng, nhiều địa phương mê làm sân golf cũng giống như mê sân bay, cảng biển. Hầu hết các ly do đều vin vào chủ trương phát triển, kết nối hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tuy nhiên, mặt sau của những lý do vĩ mô, lớn lao này còn có vấn đề của lợi ích và thành tích. Trong đó, người dân và địa phương chưa phải là những đối tượng được hưởng lợi lớn nhất từ các dự án này.
Vị chuyên gia phân tích: Thứ nhất, thực trạng phát triển sân golf tại Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến nay cả nước có gần 30 dự án golf được thực hiện và đưa vào khai khác. Trong số này, có sân golf hoạt động hiệu quả, có sân không hiệu quả, vắng khách. Và có tỉnh thì xin rút sân golf khỏi quy hoạch, hoặc xin chuyển đổi mục đích dự án nhưng vẫn có tỉnh lại muốn “xin thêm” sân golf...
Thực trạng này đang cho thấy, quy hoạch sân golf hiện tại đang tạo ra sự lệch pha giữa cung và cầu, dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, nơi hiệu quả, nơi không.
"Vấn đề này phải được đánh giá, xem xét rất thận trọng, cần phải triển dự án nào thì phát triển dự án đó, tránh tính trạng phát triển ồ ạt theo phong trào, địa phương nào cũng xin sân golf, sân golf "mọc như nấm sau mưa", TS Lê Văn Bảy lưu ý.
Thứ hai, phải đánh giá lại nguồn khách sẽ thu hút tới từ đâu? Có khả năng thu hồi vốn hay không? Chưa nói, Kon Tum đường rừng núi, đi lại khó khăn, muốn tới sân golf phải di chuyển bằng sân bay, những người rất giàu mới có khả năng đến sân golf Kon Tum.
"Kon Tum là tỉnh miền núi, lại nằm giáp danh với các nước Lào, Campuchia đều là những nước có thu nhập thấp, vậy, Kon Tum sẽ đón dòng khách nào? Rất khó trông chờ nguồn khách từ địa phương hay nguồn khách từ Lào, Campuchia sang Kon Tum để chơi golf vì họ không có tiền.
Vậy sân golf làm ra để phục vụ ai? Nhu cầu như thế nào?
Liệu có tình trạng đầu tư dự án để kiếm cớ xin chuyển đổi mục đích, lấy đất phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh khác của nhà đầu tư hay không?
Chúng ta đã có kiểm chứng từ sân golf Phan Thiết chuyển thành khu đô thị hay rất nhiều dự án sân golf đã được phê duyệt xin chuyển đổi thành khu đô thị, nhà ở để bán, cho thuê. Việc này phải tính thế nào và ai sẽ phải chịu trách nhiệm?", vị TS băn khoăn.
Thứ ba, đặc điểm khi thực hiện sân golf sẽ phải sử dụng diện tích đất rất lớn. Tại Kon Tum, đa phần đều là đất lâm nghiệp, đất rừng, do đó, cần nói rõ ngay từ đầu "không cho phép chặt phá rừng làm sân golf".
"Đã có tình trạng nhà đầu tư xin làm dự án để chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ, sau khi khai thác hết gỗ thì bỏ dự án. Thực tế này đã được chứng kiến với hàng loạt các dự án thủy điện gây ra những mối đe dọa lớn.
Với các dự án sân golf ở khu vực Tây Nguyên, liệu có lặp lại chiêu trò này không?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.
Thứ tư, ông cho biết khi làm sân golf sẽ phải trồng cỏ, phải sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất, rất nguy hại cho môi trường. Trong khi, Kon Tum là rừng đầu nguồn, khi lượng hóa chất, thuốc trừ sâu ngấm xuống đất quá lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đất cũng như sự phát triển của rừng tại khu vực này.
Chưa hết, Kon Tum còn là rừng đầu nguồn, một khi có tình trạng ô nhiễm sẽ không chỉ ảnh hưởng tới riêng Kon Tum mà còn ảnh hưởng tới cả một khu vực hạ du rộng lớn.
"Trong bối cảnh việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng lợi dụng các kẽ hở pháp luật để trục lợi, thì việc xem xét đầu tư sân golf tại Kon Tum cần phải tính toán rất thận trọng", vị chuyên gia thẳng thắn.
Từ thực tế trên, TS Lê Văn Bảy cho rằng, các cơ quan quản lý cần xem xét thận trọng trước những đề xuất này.