Đề xuất tính thuế 20% trên lãi bán chứng khoán
Bộ Tài chính đề xuất cá nhân cư trú chuyển nhượng chứng khoán sẽ chịu mức thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế theo năm.
Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính dự kiến sửa quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân với hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân cư trú chuyển nhượng chứng khoán sẽ chịu mức thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế. Khoản thu nhập tính thuế này được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan trong kỳ tính thuế theo năm.
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng, số thuế sẽ bằng thuế suất 0,1% nhân với giá bán chứng khoán, theo từng lần.
Với chuyển nhượng vốn, cơ quan này cũng đề xuất tính thuế 20% trên thu nhập tính thuế nhưng tính theo từng lần. Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí, người bán sẽ chịu mức thuế suất 2%.
Luật Thuế thu nhập cá nhân 04/2007 có hiệu lực từ 2009 quy định 2 phương pháp thu thuế với chuyển nhượng chứng khoán. Trong đó, trường hợp áp thuế trên thu nhập với kỳ tính thuế theo năm thì mỗi lần chuyển nhượng cá nhân tạm nộp thuế thu nhập cá nhân 0,1% trên giá bán từng lần, cuối năm sẽ được trừ số thuế đã tạm nộp trong năm. Còn trường hợp không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan, họ sẽ phải nộp thuế 0,1% trên giá bán từng lần và không phải quyết toán khi hết năm.
Từ 2013, Luật số 71/2014 quy định thống nhất một phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng chứng khoán là theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần. Nhưng việc thu thuế kể cả trường hợp bị lỗ được nhiều ý kiến đánh giá là chưa phù hợp. Theo đó, giới chuyên môn nhiều lần kiến nghị nhà điều hành cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi mới nộp thuế.

Bộ Tài chính cho rằng việc sửa cách tính thuế với chuyển nhượng chứng khoán xuất phát từ thực tiễn thực hiện thời gian qua, xu hướng và kinh nghiệm của các nước thời gian gần đây.
Theo Bộ Tài chính, hầu hết các nước đều thu thuế với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chứng khoán, song cách thức rất khác nhau. Có quốc gia thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng, có nơi thu theo thu nhập hoặc áp dụng chính sách thuế khác giữa chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết.
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc, đề xuất áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp Capital Gain Tax (CGT) - tức chỉ thu thuế khi nhà đầu tư có lãi từ giao dịch chuyển nhượng chứng khoán.
Theo VAFI, ở Việt Nam hiện nay, khi bán cổ phiếu thưởng thì chịu 2 loại thuế thu nhập cá nhân, gồm: thuế khoán là 0,1% trên tổng giá trị bán chứng khoán và 5% trên tổng giá trị cổ phiếu thưởng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, bất kể việc nắm giữ cổ phiếu thưởng là lãi hay lỗ. Đây là bất cập lớn bởi bản chất thuế khoán thường chỉ áp dụng với thị trường chứng khoán sơ khai. Ưu điểm là đơn giản, nhưng giao dịch chứng khoán lỗ thì vẫn phải đóng thuế.
Trong khi đó, bản chất thuế CGT là xác định thuế thu nhập cá nhân khi bán chứng khoán theo công thức: lấy tổng giá trị bán chứng khoán theo giá bán bình quân trừ đi tổng giá trị mua chứng khoán với số lượng cổ phần tương ứng đã bán theo giá mua bình quân nhân với thuế suất.
Phương pháp này ưu điểm hơn thuế khoán là trừ đi giá vốn chứng khoán mới tính thuế, cho nên theo CGT thì chỉ có lãi mới chịu thuế thu nhập cá nhân.
VAFI kiến nghị, cần áp dụng phương pháp CGT vào dự thảo luật Thuế thu nhập cá nhân 2025 đối với giao dịch chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, đơn vị này đề nghị tính thuế thu nhập cá nhân khi bán chứng khoán với mức thuế suất hợp lý theo công thức: tổng giá trị bán chứng khoán theo giá bán bình quân trừ đi tổng giá trị mua chứng khoán tương ứng với số cổ phần đã bán theo giá mua bình quân nhân (x) với thuế suất 3%.
Theo VAFI, mức 3% là phù hợp nhằm tạo động lực phát triển thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho hệ thống các doanh nghiệp niêm yết dễ dàng huy động nguồn vốn khổng lồ từ khu vực dân cư, nước ngoài.