Đèo Cả đề xuất ưu tiên doanh nghiệp Việt tham gia vào Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Ngoài việc kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc tại các dự án giao thông trọng điểm, Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tham gia vào Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trên cơ sở buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ và đại diện các doanh nghiệp về việc tháo gỡ khó khăn trong thi công các công trình trọng điểm Quốc gia vào đầu tháng 10/2024, Tập đoàn Đèo Cả đã gửi văn bản số 1316/2024/DCG ngày 5/10/2024, kiến nghị một số giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm.
Trong văn bản, ngoài việc kiến nghị giải quyết những vướng mắc tại các dự án cao tốc đầu tư theo phương thức PPP, Tập đoàn Đèo Cả cũng đề xuất một số giải pháp để các doanh nghiệp trong nước có thể sớm làm chủ công nghệ và kỹ thuật trong việc đầu tư, sản xuất, thi công các công trình yêu cầu công nghệ cao như đường sắt tốc độ cao, metro, giao thông thông minh và thành phố thông minh.
Cụ thể, Tập đoàn đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường tổ chức các khóa tham quan, học tập và nghiên cứu mô hình của các doanh nghiệp, trường đào tạo nước ngoài đã có kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự.
Đồng thời, Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần nâng cao trách nhiệm, chủ động xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành và mô hình BIM để áp dụng cho các công trình giao thông, đặc biệt là các dự án đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.
Đối với các dự án có quy mô lớn, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị và đã có thành tích cụ thể, đảm nhận vai trò dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác.
Đặc biệt cần ưu tiên cho các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua.
Tập đoàn Đèo Cả là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam với quy mô hoạt động hơn 8.000 lao động.
Năng lực và uy tín của Tập đoàn được khẳng định qua hàng loạt công trình trọng điểm quốc gia, trải dài từ Bắc vào Nam.
Trong gần một thập kỷ, Tập đoàn Đèo Cả đã thi công hơn 30km hầm đường bộ, 410km đường cao tốc và quốc lộ, xây dựng 6 cây cầu lớn và tổ chức quản lý 18 trạm thu phí trên cả nước, với tổng mức đầu tư vượt 100.000 tỷ đồng.
Các công trình do Tập đoàn Đèo Cả hoàn thiện không chỉ mang lại giá trị thực tiễn cho người dân mà còn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.
Về Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đây là một dự án có quy mô rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều đơn vị có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thi công các gói thầu lớn thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và đang quyết tâm hoàn thành 12 dự án thành phần vào cuối năm 2025.
Tuy nhiên, sau thời điểm này, nhân lực, máy móc và thiết bị của các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng tồn đọng.
Do đó, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp tục tham gia Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tập đoàn cũng đề xuất tổ chức thực hiện Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo hai hợp phần:
Hợp phần 1 bao gồm các hạng mục cầu, đường, hầm, nên giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện, tương tự như các dự án đường bộ cao tốc.
Hợp phần 2 bao gồm phần đầu máy, toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu... nên giao cho các doanh nghiệp trong nước liên danh với các đối tác nước ngoài.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ khởi đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), kết nối hai đô thị đặc biệt có quy mô dân số lên tới 10 triệu người, cùng với 17 đô thị loại 1, mỗi đô thị có dân số từ 500 nghìn người trở lên, chưa kể các đô thị nhỏ khác.
Trên toàn tuyến sẽ bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình từ 50 - 70 km, cùng 5 ga hàng hóa gắn với các đầu mối logistics, phục vụ hậu cần quốc phòng khi cần thiết.
Tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, được phân bổ trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn kéo dài khoảng 12 năm, với bình quân khoảng 5,6 tỷ USD mỗi năm.
Trong quá trình xây dựng và vận hành sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các khu dịch vụ, thương mại tại các ga và đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.
Theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 10/2024, khởi công vào cuối năm 2027 và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.