Dệt may thắng lớn: Lợi nhuận cao kỷ lục,tiếp tục đón ‘cơn mưa’ đơn hàng
SSI dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc nhờ chi phí lao động và mức thuế với Mỹ thấp hơn.
Kết thúc quý III/2024, phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu vượt 12 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ và tăng 22% so với quý trước.
Doanh thu thuần của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (HNS: TNG) và Công ty cổ phần May Sông Hồng (HoSE: MSH) đều đạt mức cao kỷ lục, lần lượt đạt 2.358 tỷ đồng và 1.749 tỷ đồng, tăng 12% và tăng 45% so với cùng kỳ. Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) cũng đạt mức doanh thu thuần cao đột biến, đạt 1.105 tỷ đồng, tương ứng tăng 51% so với cùng kỳ.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong doanh thu của các doanh nghiệp dệt may do đang ở mùa cao điểm của ngành, thể hiện qua các đơn đặt hàng tại thị trường Mỹ và châu Âu đều phục hồi. Bên cạnh đó, các đơn đặt hàng cho bộ sưu tập Thu – Đông thường có giá trị cao hơn, góp phần vào tăng trưởng doanh thu của ngành.
Một số doanh nghiệp như TNG và MSH đều cải thiện được biên lãi gộp, nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào. Điều này cũng góp phần giúp 2 doanh nghiệp này ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục (theo quý) trong quý III, lần lượt đạt 111 tỷ đồng và 130 tỷ đồng, tương ứng tăng 60% và tăng 154% so với cùng kỳ. TCM cũng đem về 81 tỷ đồng lãi sau thuế (tăng trưởng 13%), cao nhất kể từ cuối năm 2022 đến nay.
Luỹ kế 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ và tăng 9,6% so với 9 tháng đầu năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này cho thấy sản lượng tiêu thụ hiện nay đã vượt mức trước dịch.
SSI cho biết giá bán bình quân cải thiện nhẹ tại hầu hết các doanh nghiệp (dưới 5%), trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, giá sợi nhập khẩu đã tăng 7% so với cùng kỳ trong quý III/2024, cho thấy dấu hiệu nhu cầu dần phục hồi.
Trong dài hạn, SSI kỳ vọng các nhà bán lẻ lớn tiếp tục đa dạng hóa đơn hàng từ nhiều nước xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro. Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc nhờ chi phí lao động và mức thuế với Mỹ thấp hơn so với Trung Quốc (mức độ phụ thuộc vào chính sách của chính quyền mới của Mỹ); cùng với lợi thế lao động có tay nghề cao hơn Ấn Độ và Bangladesh.
“Chúng tôi lưu ý rằng Mỹ sẽ cần thời gian để đưa ra “thuế suất toàn diện”, dự kiến sẽ áp dụng vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến sẽ đẩy mạnh các đơn hàng trước khi mức thuế quan mới được áp dụng, không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn cầu. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của các công ty dệt may sẽ tăng mạnh trong những quý tới”, các chuyên gia của SSI cho biết.
Ngoài ra, việc chỉ số DXY (chỉ số đồng USD) vẫn ở mức cao trong ngắn hạn, do đó SSI kỳ vọng hầu hết các doanh nghiệp may mặc sẽ ghi nhận lãi tỷ giá, trừ Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) do phải chịu lỗ tỷ giá từ các khoản vay bằng USD.
Tuy nhiên, trong quý III vừa qua, STK vẫn bất ngờ thu về khoản lợi nhuận cao gấp 4,9 lần cùng kỳ, đạt hơn 81,7 tỷ đồng nhờ tiết giảm và hoàn nhập chi phí trong kỳ. Theo đó, tỷ giá không hoàn toàn gây áp lực chi phí lên STK, bằng chứng là doanh nghiệp đã ghi nhận khoản hoàn nhập hơn 40 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá, đồng thời doanh thu từ hoạt động tài chính cũng ghi nhận tăng 60%, đạt hơn 11,3 tỷ đồng nhờ lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ.
Dù vậy, SSI vẫn nhận định triển vọng doanh thu của STK là chưa rõ ràng, triển vọng đơn hàng trong quý IV vẫn ảm đảm, trong khi cạnh tranh giữa các nhà sản xuất sợi vẫn gay gắt do mức tồn kho cao của Trung Quốc từ năm ngoài. Đồng thời, các nhà sản xuất Trung Quốc đã bán phá giá sợi với giá rất thấp vào thị trường nội địa.