Điểm mặt loạt doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu gấp chục lần vốn điều lệ

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong thời gian gần đây chứng kiến không ít doanh nghiệp huy động trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu, thậm chí, nhiều doanh nghiệp liên tục phát hành trái phiếu gấp hàng chục lần vốn điều lệ gây nguy cơ rủi ro rất cao cho nền kinh tế.

Huy động vốn trái phiếu gấp chục lần vốn điều lệ

Báo cáo thị trường của Hiệp hội Môi giới Bất động sản (VaRS) đã chỉ ra rằng, TPDN bất động sản không ngừng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản đã vượt mặt ngân hàng, đứng đầu về giá trị phát hành TPDN với tỷ trọng đạt 35% tổng giá trị TPDN được phát hành.

Mặc dù tài sản nhỏ, vốn điều lệ ít ỏi nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản liên tục phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành để thu về hàng chục ngàn tỷ đồng.

Đơn cử như Công ty Bách Hưng Vương có vốn điều lệ chỉ 200 tỷ đồng nhưng phát hành 2.980 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng vào nửa cuối tháng 12/2021. Bách Hưng Vương là doanh nghiệp do bà Đinh Thị Ngọc Thanh-Chủ tịch HĐQT Bông Sen Corp làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và sở hữu 75% vốn tại thời điểm thành lập. Đáng nói, các thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ, đơn vị thu xếp cho lô trái phiếu của Bách Hưng Vương không được công bố. Trước đó vào ngày 28/4/2020, Bông Sen Corp cũng đã phát hành hai lô trái phiếu có tổng giá trị 4.800 tỷ đồng để cơ cấu nợ. Trái chủ là 12 tổ chức trong nước, trong đó có một tổ chức tín dụng và hai công ty chứng khoán.

Bách Hưng Vương phát hành 2.980 tỷ đồng trái phiếu  
Bách Hưng Vương phát hành 2.980 tỷ đồng trái phiếu  

Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn cũng tương tự như vậy khi chỉ có 250 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng. Đáng nói, trái phiếu này là dòng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Không nằm ngoài cuộc chơi, Công ty TNHH MTV Quản lý Đầu tư Phúc Khang (PKIM) cũng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm nhưng danh sách trái chủ không được công bố. Trước đó Phúc Khang Corp đã thế chấp toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu ở PKIM được định giá 374,5 tỷ đồng tại TPBank.

Theo bản báo cáo tài chính quý I năm 2022, Công ty CP Bamboo Capital có tổng nợ đi vay hơn 15.100 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với đầu năm, chủ yếu là nợ vay dài hạn. Trong đó, dư nợ trái phiếu ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp này hơn 9.097 tỷ đồng. Đáng chú ý, vốn điều lệ hiện tại của Bamboo Capital là hơn 2.975 tỷ đồng.

Dư nợ phải trả của Bamboo Capital  
Dư nợ phải trả của Bamboo Capital  

Một thành viên trong hệ sinh thái của Bamboo Capital là Công ty CP Tập đoàn R&H cũng liên tục phát hành 7 lô trái phiếu với tổng giá trị lên tới 8.150 tỷ đồng. Mục đích huy động trái phiếu dùng cho việc phát triển các dự án bất động sản nhưng không nêu rõ tên dự án. Công ty CP Tập đoàn R&H được thành lập tháng 8/2019, có vốn điều lệ 1.450 tỷ đồng.

Từ năm 2019 đến nay, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất cao. Trong năm 2021, Phát Đạt đã phát hành 9 đợt trái phiếu với tổng giá trị 2.305 tỷ đồng. Hầu hết các lô trái phiếu có lãi suất 12-13%/năm đáo hạn năm 2023.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia tương tự như vậy, năm 2022 đã thông qua nghị quyết phát hành tối đa khoảng 300 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu là 24 tháng kể từ ngày phát hành.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế

Theo thống kê của Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, trong quý 1/2022 có 48 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng. Tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 24,17%, đạt 30.998 tỷ đồng. Nhóm bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36%.

Tỷ trọng phát hành Trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành  
Tỷ trọng phát hành Trái phiếu doanh nghiệp theo nhóm ngành  

Báo cáo mới đây về thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không ngừng tăng trưởng trong vài năm trở lại đây khi các chủ đầu tư ưu tiên sử dụng hình thức huy động vốn qua phát hành trái phiếu hơn là các nguồn vốn từ ngân hàng hay nhà đầu tư, khách hàng. Tính đến giữa tháng 4/2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt gần 40.000 tỷ đồng.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại ở đây là tình trạng phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo và phát hành số lượng lớn gấp nhiều lần vốn điều lệ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho dà đâu tư trái chủ và nguy cơ cho nền kinh tế nói chung, nếu doanh nghiệp đó kinh doanh thua lỗ, thông tin tới trái chủ không đầy đủ và minh bạch…

Để kiểm soát vấn đề này, nhiều đơn vị đã có những đề xuất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về giải pháp thực hiện, kiểm soát lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong bản báo cáo thị trường mới nhất của Hiệp hội môi giới bất động sản, phòng Phân tích và Nghiên cứu VARS cũng đưa ra kiến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đề ra một cơ chế kiểm tra hiệu quả với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngay từ bước gửi hồ sơ, thay vì phát hiện sai phạm và hủy bỏ các thương vụ đã phát hành thành công, gây tâm lý xáo trộn không đáng có cho thị trường.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống