Tập đoàn Hoa Lâm cùng cuộc chơi huy động trái phiếu đầu tư bất động sản

(CL&CS) - Từ tháng 7/2020, Tập đoàn Hoa Lâm bắt đầu huy động trái phiếu doanh nghiệp qua ngân hàng Vietbank để đầu tư và lĩnh vực bất động sản mở rộng ngành nghề kinh doanh.

Huy động 4.413 tỷ đồng trái phiếu từ các công ty con

Không chỉ kinh doanh xe máy, tham vọng của tập đoàn Hoa Lâm còn hướng đến nhiều ngành khác trong đó có 2 ngành trọng điểm là tài chính ngân hàng và bất động sản. Năm 2006, bà Trần Thị Lâm, chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm quyết định lấn sân sang tài chính ngân hàng và trở thành người đầu tiên khôi phục và sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank). Sau này, Vietbank trở thành "bệ đỡ" tài chính thu xếp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, dồn vốn vào tập đoàn.

Hoa Lâm liên tục huy động trái phiếu từ các công ty con  
Hoa Lâm liên tục huy động trái phiếu từ các công ty con  

Năm 2010, Tập đoàn này bắt đầu tham gia thị trường bất động sản. Năm2020, doanh nghiệp con của tập đoàn này liên tiếp huy động trái phiếu nhằm đầu tư, rót vốn vào các dự án của tập đoàn. Cho đến nay, số trái phiếu tập đoàn này huy động được đạt 4.413 tỷ đồng.

Theo số liệu thu thập được từ tháng 7/2020 đến 12/2021, nhiều pháp nhân cùng nhóm Hoa Lâm Group đã huy động vốn qua kênh trái phiếu, gồm: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ (ngày 25/8/2020 phát hành 738 tỷ đồng); Công ty TNHH Điền Phát Land (tháng 7/2020 huy động 770 tỷ đồng), Công ty TNHH Hướng Dương Holdings (tháng 8/2020 phát hành thành công 750 tỷ đồng), Công ty TNHH Hoa Thanh Long (tháng 12/2020 phát hành 477 tỷ đồng).

Một loạt các công ty con khác như Công ty TNHH Vinh An Điền huy động 650 tỷ đồng, Công ty TNHH Minh Khang Điền huy động 572 tỷ đồng, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An hút 456 tỷ đồng trái phiếu. Doanh nghiệp CTCP Hong Lim Land huy động 504 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư vào dự án khu nhà ở. Mặc dù CTCP Hong Lim Land không dùng các bất động sản của nhóm Hoa Lâm – Shangri-La làm tài sản đảm bảo nhưng trái phiếu được huy động cũng được hướng đến Tập đoàn Hoa Lâm.

Bên cạnh đó, nhiều công ty con cũng thế chấp các tài sản tại ngân hàng VietBank, những hợp đồng chuyển nhượng cổ phần liên quan đến những Hoa Lâm – Shangri-La cũng được các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” Hoa Lâm thế chấp. Một trong số đó lấy làm ví dụ như Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Xây dựng Tiến Phát đã thế chấp toàn bộ quyền phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng vốn ngày 27/5/2018 tại VietBank.

Một loạt các dự án được triển khai

Liên tiếp trúng thầu nhiều dự án có quy mô, Hoa Lâm nhanh chóng tiếp cận với thị trường bất động sản chính vì thế, để đảm bảo nguồn vốn, Hoa Lâm đã liên tục phát hành trái phiếu từ các công ty con và được thu xếp bởi nhà băng Vietbank.

Năm 2013 tập đoàn Hoa Lâm hoàn thiện và đưa vào sử dụng tòa nhà Lim Tower có quy mô 34 tầng tại Tôn Đức Thắng - Quận 1 đồng thời phát triển TTTM mua sắm Aeon Mall Bình Tân. Năm 2014, bệnh viên Quốc Tế City bắt đầu đi vào hoạt động.

Năm 2015, doanh nghiệp này cho ra mắt tòa nhà Lim Tower 2 có chiều cao 18 tầng tại ngã tư Cách Mạng Tháng 8 - Võ Thị Sáu và khởi công xây dựng bệnh viện quốc tế Hoa Lâm với mô hình PPP công – tư kết hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115.

Bệnh viện quốc tế City đi vào hoạt động  
Bệnh viện quốc tế City đi vào hoạt động  

Năm 2016: Hoa Lâm hợp tác cùng với Berjaya tại dự án độc quyền đầu tư, vận hành một số dự án xổ số điện toán Vietlott trên toàn quốc tại Việt Nam. Hợp đồng đầu tư có giá trị trong khoảng từ 210,58 triệu USD với thời hạn trong vòng 18 tháng, bắt đầu có hiệu lực sau khoảng 6 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận.

Năm 2017, Hoa Lâm được UBND TP.HCM có Quyết định đồng ý chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở D2 (quy mô 12.315 m2) và D3 (quy mô 11.953 m2) tại Khu Y tế kỹ thuật cao số 532A đường Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân (TP.HCM). Tháng 3/2018, Hoa Lâm – Shangri-La 5 và Hoa Lâm – Shangri-La 6 lần lượt được UBND TP.HCM cấp Quyết định công nhận chủ đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư dự án Khu nhà ở D2 và D3 kể trên.

Sau đó, dự án Aio City được triển khai thi công, bao gồm bốn khối nhà cao 28 tầng, dự kiến khi hoàn thành cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ và rao bán dự án với tên gọi Aio City, giá trên 40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đến cuối năm 2019, dự án này đã dừng thi công, cỏ dại mọc um tùm, nhiều vật dùng và nền bê tông xuống cấp do đã dừng thi công từ lâu.

Hoạt động kinh doanh lên xuống thất thường

Ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2015, vốn điều lệ của Tập đoàn Hoa Lâm là 650 tỷ đồng (tăng 150 tỷ đồng so với thời điểm liền kề trước đó). Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2018, công ty rơi vào cảnh tăng giảm vốn điều lệ xoành xoạch. Cụ thể, tháng 3/2018, công ty giảm vốn điều lệ xuống 193,72 tỷ đồng; tháng 7/2018 lại tăng lên 603,72 tỷ đồng, nhưng chỉ 2 tuần sau lại giảm xuống 162,372 tỷ đồng. Tháng 8/2018, vốn điều lệ tăng lên 503,52 tỷ đồng nhưng chỉ hơn 10 ngày sau lại rơi xuống 300 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê cho thấy, hiệu quả kinh doanh của Hoa Lâm không đạt hiệu suất khi nhiều năm liên tiếp lợi nhuận đều ở mức cực thấp.

Giai đoạn 2016 – 2017, tài sản của công ty tăng từ 1.903 tỷ đồng lên 2.256 tỷ đồng, tương đương tăng 18%. Tuy nhiên, phần đa tài sản được tài trợ bằng nợ phải trả (trung bình 65%), tăng từ 1.203 tỷ đồng lên 1.526 tỷ đồng, tương đương tăng 27%. Năm 2018, tổng tài sản của công ty rớt mạnh chỉ còn 1.123 tỷ đồng do giảm được nợ phải trả, xuống còn 739 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 50%, vốn chủ sở hữu giảm từ 729 tỷ đồng (2017) xuống 384 tỷ đồng, tương đương giảm 47%.

Năm 2019, nợ phải trả tiếp tục giảm xuống 643 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu “nhích” nhẹ lên 392 tỷ đồng đến 2020, nợ phải trả lại tăng lên 686 tỷ đồng, song nhờ vốn chủ sở hữu cũng tăng lên 404 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần như được giữ nguyên.

Kết quả kinh doanh của Hoa Lâm giai đoạn 2018-2020  
Kết quả kinh doanh của Hoa Lâm giai đoạn 2018-2020  

Kết quả kinh doanh của tập đoàn này ở giai đoạn 2016 – 2020 bị sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, nếu năm 2016, doanh thu thuần đạt 112 tỷ đồng thì tới năm 2017, doanh thu thuần chỉ còn 39 tỷ đồng, giảm tới 64%. 3 năm sau đó, doanh thu thuần của công ty chỉ loanh quanh 36 – 39 tỷ đồng, cho thấy sự “bế tắc” trong việc tìm kiếm sự đột phá về doanh số. Mặc dù vậy, biên lợi nhuận của tập đoàn này luôn ở mức cao Ngoại trừ năm 2016, biên lợi nhuận gộp chỉ 23%, các năm 2017 – 2020, biên lợi nhuận gộp đều trên 90%, lần lượt là: 94,7%, 91,7%, 93,5% và 94,9%.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống