Điểm mặt những “đại gia” bất động sản có dư nợ “khủng” trong năm 2020

Sau khi báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất Quý 3/2020 của các doanh nghiệp bất động sản được công bố, ghi nhận hàng loạt “đại gia” địa ốc có dư nợ phải trả rất lớn. Danh sách ...

Năm 2020 là một năm ghi nhận sự khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản do tác động nặng nề từ đại dịch Covid–19. Để có nguồn ngân sách duy trì hoạt động đã không ít doanh nghiệp địa ốc đã cắt giảm các chi phí không cần thiết đồng thời vay nợ để giữ vững ‘hầu bao’ của mình. Cũng từ đó hàng loạt các “đại gia” đã ghi nhận những khoản nợ “khủng”

Cụ thể, Theo BCTC quý 3/2020 của Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vi Na (Land Saigon – LSG) cho thấy, doanh nghiệp này đang ghi nhận con số nợ phải trả lớn.

Cụ thể, tổng nguồn vốn doanh nghiệp này ở mức 4.191 tỷ đồng nhưng đến hơn 70% là vốn vay. Tính đến 30/9/2020, nợ phải trả của Land Saigon là 3.122 tỷ đồng, tăng 742 tỷ đồng. Đặc biệt, vay nợ tài chính ngắn hạn đã tăng hơn 2,3 lần, từ 563 tỷ đồng đầu năm lên 1.300 tỷ đồng.

Nguồn BCTC hợp nhất Quý 3/2020 của Land Saigon  
Nguồn BCTC hợp nhất Quý 3/2020 của Land Saigon  

Trong khi ôm một khối nợ như vậy, tuy nhiên Land Saigon lại không hề ghi nhận một đồng doanh thu nào suốt từ năm 2019 đến nay. LSG gần như sống dựa vào doanh thu tài chính trong khi đó, chi phí lãi vay vẫn liên tục tăng ở mức cao.

Cụ thể, theo BCTC được công ty công bố, trong quý 3/2020, Land Saigon tiếp tục không ghi nhận khoản doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế của LSG đạt 103 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 14 tỷ đồng.

Một “đại gia” bất động sản khác cũng đang có tỷ lệ nợ ngày càng lớn, đó là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG). Theo BCTC Quý 3/2020 được Đất Xanh Group công bố, nợ phải trả của DXG tính đến cuối tháng 9/2020 là 13.143 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng so với đầu năm.

Vay và nợ thuê tài chính chiếm tới hơn 45% tổng nợ phải trả, ở mức 5.966 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn với hơn 4.700 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất Quý 3/2020 của Đất Xanh Group  
Nguồn: BCTC hợp nhất Quý 3/2020 của Đất Xanh Group  

Về kết quả kinh doanh, BCTC hợp nhất Quý III/2020 của Đất Xanh Group cho thấy trong Quý III, Đất Xanh lãi ròng (lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ) hơn 100 tỉ đồng, giảm 72% so với cùng kì nhưng kết quả này đã tích cực hơn so với con số lỗ 29 tỉ đồng ở Quý trước đó.

Tuy nhiên luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Đất Xanh đạt 1.877 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 51% so với cùng kì. Theo đó công ty lỗ ròng hơn 388 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước lãi 907 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng được điểm danh trong danh sách những “đại gia” có tỷ lệ nợ phải trả lớn.

Theo BCTC hợp nhất Quý 3/2020 được Hà Đô công bố, tính đến 30/9/2020, tổng nợ phải trả của Hà Đô (HDG) ở mức 9.705 tỷ đồng, giảm 880 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 763 tỷ đồng, giảm 363 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 5.708 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất Quý 3/2020 của Tập đoàn Hà Đô  
Nguồn: BCTC hợp nhất Quý 3/2020 của Tập đoàn Hà Đô  

Về kết quả kinh doanh, theo BCTC hợp nhất Quý 3/2020 của HDG được công bố cũng cho thấy doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ.

Cụ thể, tính riêng quý 3 doanh thu Hà Đô đạt 840 tỷ đồng, giảm 32,6% so với quý 3 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý 3 của Tập đoàn Hà Đô đạt 187 tỷ đồng, giảm 31,5% so với quý 3/2019.

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu Hà Đô đạt 3.830 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 962 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ.

Ngoài những doanh nghiệp nêu trên, còn khá nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguồn vốn chính từ đi vay với tỷ suất nợ vay/tổng nguồn vốn trên 30%.

Bất động sản cũng là nhóm doanh nghiệp liên tiếp có mức phát hành trái phiếu lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ đứng sau các tổ chức tín dụng.

Giới chuyên gia cho rằng, dòng vốn chảy vào bất động sản trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay có thể là chỉ dấu của sự phục hồi ngành. Tuy nhiên, để tránh bài học tín dụng bất động sản tăng cao như thời kỳ 2008-2009 để lại đống nợ xấu mà ngành ngân hàng vẫn đang xử lý thì việc kiểm soát chặt tín dụng bất động sản theo các chuyên gia là cần thiết.

Vĩnh Linh

Theo Kinh doanh và Phát triển