Hàng tồn kho BĐS giảm mạnh - Novaland, FLC, Đất Xanh… đã ‘rót’ 30.000 tỷ vào đâu trong 9 tháng đầu năm?
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh hàng loạt những ‘ông lớn’ bất động sản như Novaland, FLC, Đất Xanh Group, Phát Đạt hay An Gia Group vẫn ‘tấp nập’ đầu tư vào các dự án đang được triển khai cũng như những dự án mới trong tương lai với tổng mức đầu tư lên đến khoảng 30.000 tỷ đồng
Tồn kho của Vingroup, LDG, Văn Phú – Invest… có xu hướng giảm mạnh
Theo thống kê tại ngày 30/09/2020 tồn kho của gần 80 doanh nghiệp bất động sản niêm yết gần 328.323 tỷ đồng, tăng gần 41.000 tỷ đồng so với 1 năm trước. Tuy nhiên tính đến tháng 12 các doanh nghiệp bất động sản đã "đẩy" các dự án ra thị trường dưới hình thức chuyển nhượng, bàn giao sản phẩm cho khách hàng đạt 16.127 tỷ đồng.
Theo đó, 5 doanh nghiệp ghi nhận giảm hàng tồn kho bất động sản lớn nhất gồm: Vingroup, Hado Group (HDG), Hải Phát (HPX), Becamex TDC (TDC) và Becamex IJC (IJC).
Ngoài ra, những doanh nghiệp chuyển nhượng dự án, bàn giao sản phẩm, nhờ đó giá trị hàng tồn kho giảm đáng kể như: LDG ( giảm 934 tỷ đồng), QCG (giảm 837 tỷ đồng), CEO (giảm 832 tỷ đồng), Văn Phú - Invest (giảm 642 tỷ đồng).
Nhìn chung lượng hàng tồn kho trong 12 tháng qua của hầu hết các doanh nghiệp đã có xu hướng giảm mạnh, đây là một dấu hiệu đầy khả quan cho các doanh nghiệp địa ốc trong bối cảnh nhiều khả năng thị trường bất động sản sẽ lại tiếp tục ‘đóng băng’ do dịch bệnh đang có những dấu hiệu quay trở lại.
Novaland, FLC, Đất Xanh… đã ‘bơm’ tiền vào đâu trong 9 tháng đầu năm?
Theo thống kê có gần 80 doanh nghiệp bất động sản đang giao dịch cổ phiếu trên 3 sàn cho thấy, trong vòng 1 năm qua, các doanh nghiệp đã bơm thêm gần 57.000 tỷ đồng vào các dự án đầu tư mới và dự án hiện hữu.
Trong đó, 15 doanh nghiệp chi đầu tư lớn nhất đóng góp đến 98,6% giá trị, tương đương 56.187 tỷ đồng. Novaland, An Gia Group, Đất Xanh Group, Phát Đạt, FLC là 5 doanh nghiệp bơm tiền mạnh vào các dự án trong 12 tháng qua và cả trong 9 tháng đầu năm 2020.
Nếu tính riêng 9 tháng đầu năm, 15 doanh nghiệp đóng góp 98,6% giá trị nói trên đã bơm ra 35.738 tỷ đồng vào các dự án, trong đó Tập đoàn Novaland đứng ‘top 1’ khi đã bơm đến 22.174 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) vào các dự án. Về số liệu chi tiết rằng Novaland đã ‘bơm’ tiền vào những dự án nào thì không có. Tuy nhiên theo những động thái của Novaland trong thời gian qua thì có thể thấy Tập đoàn này đang chủ yếu dồn tiền vào 2 ‘siêu’ dự án là Aqua City (Đồng Nai) và NovaWorld (Phan Thiết, Bình Thuận).
Đứng thứ 2 đang là An Gia (mã AGG) khi công ty này trong 9 tháng qua đã đổ 2.142 tỷ đồng vào dự án mới The Sóng (Bà Rịa – Vũng Tàu) và bơm thêm tiền hàng trăm tỷ đồng cho 3 dự án tại Q.7, Tp. Hồ Chí Minh gồm River Panorama 1, River Panorama 2, Sky 89.
Sau An Gia là Đất Xanh Group (mã DXG) khi Tập đoàn này đã bơm hơn 1.800 tỷ đồng vào dự án Gem Sky World (Long Thành) gần 500 tỷ đồng vào dự án Opal Boulevard (tên mới St. Moritz), phần còn lại là bơm vốn rải rác cho một loạt dự án khác.
Giữ vị trí thứ 4 đang là Tập đoàn FLC. Tuy nhiên cũng giống như Novaland, những dữ liệu cụ thể về khoản đầu tư trong 9 tháng đầu năm của Tập đoàn FLC cũng không được công khai. Mặc dù vậy nhìn vào những dự án mà FLC đã đầu tư thì có thể thấy dòng tiền của Tập đoàn này được phân bổ tại hầu khắp những địa phương tiềm năng như: tại Đồng Nai với dự án Sân golf Ngôi sao Hạ Long, Quần thể trung tâm hội nghị, khu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng; Khu đô thị Hà Khánh; Trường Đại học FLC hay dự án Khu đô thị mới kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Suối Cam với diện tích hơn 1.700 ha tại Bình Phước.
Và cái tên cuối cùng trong TOP 5 gọi tên Phát Đạt với 1.984 tỷ đồng vào dự án Khu du lịch Bến Thành – Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), gần 400 tỷ đồng vào dự án KDC Làng nghề và Trung tâm xã Hàm Ninh (Kiên Giang), 132 tỷ đồng vào dự án số 1 Ngô Mây.
Ngoài ra, PDR đã bơm thêm tiền cho dự án Trung tâm thương mại và Căn hộ cao cấp Bình Dương, River City (trước đây là The EverRich 2). Tổng tiền mà Phát Đạt ‘bơm’ vào thị trường trong 9 tháng qua lên đến 2.514 tỷ đồng.