Diễn biến mới tuyến cao tốc Hà Nam - Nam Định sau khi bị yêu cầu rà soát
Dự án cao tốc Hà Nam - Nam Định, giai đoạn 1 từ TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định, tỉnh Nam Định sẽ được đầu tư với tổng vốn gần 8.000 tỷ đồng.
UBND tỉnh Nam Định vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11).
Tại Tờ trình, UBND tỉnh Nam Định kiến nghị cho phép tỉnh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Kinh phí thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do UBND tỉnh Nam Định tự bố trí.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 25,1km được đề xuất quy mô đường cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, đường song hành 2 bên.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Nam Định và Hà Nam cam kết tự bố trí ngân sách để thực hiện.
Đối với đoạn BOT (từ trạm thu phí Mỹ Lộc tỉnh Nam Định đến Quốc lộ 10, TP. Nam Định dài khoảng 3,9km) sẽ hết hạn thu phí năm 2028. Tỉnh Nam Định sẽ lên phương án đàm phán để thanh lý hợp đồng vào năm 2025 bằng ngân sách tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý cho phép được lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Nam Định, dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định sẽ được thực hiện trên cơ sở tận dụng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp toàn bộ nền mặt đường tuyến Quốc lộ 21B đoạn từ TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định, tỉnh Nam Định đã có. Dự án được sẽ được triển khai theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, vận tốc thiết kế 100km/h, đường song hành, đường gom 2 bên theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, xây dựng cầu vượt, đường trên cao qua các nút giao thông quan trọng.
Tổng mức đầu tư dự án là khoảng 7.850 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng phần đường cao tốc khoảng 1.463 tỷ đồng (24km); chi phí xây dựng phần cầu khoảng 2.054 tỷ đồng; chi phí xây dựng phần đường song hành dọc 2 bên tuyến là khoảng 1.219 tỷ đồng (48km); chi phí xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống ITS và một số hạng mục phụ trợ khoảng 326 tỷ đồng; sơ bộ chi phí GPMB khoảng 1.000 tỷ đồng; chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án, chi phí khác: khoảng 506 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 1.282 tỷ đồng. Nếu được thông qua, dự án sẽ được triển khai từ năm 2025 và dự kiến hoàn thành năm 2028.
Trước đó vào cuối tháng 5, cao tốc Hà Nam - Nam Định bị đề nghị rà soát phương án đầu tư do suất đầu tư cao. Theo Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Nam Định ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 9.400 tỷ đồng, suất đầu tư khoảng 375 tỷ đồng/km cao hơn nhiều so với suất đầu tư của tuyến đường cao tốc xây dựng mới được Bộ Xây dựng công bố. Vì vậy, Bộ đề nghị rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn, giải pháp thiết kế, chi phí xây dựng theo quy định hiện hành, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.