Điều ít biết về đường hầm bí ẩn trên cầu vượt biển 12.000 tỷ dài nhất Đông Nám Á của Việt Nam
Không giống như nhiều cây cầu vượt biển khác, cầu vượt biển với tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng tại TP. Hải Phòng - cây cầu dài nhất Việt Nam có một đường hầm bí ẩn dài 4,5km.
Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
Cây cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện) thuộc TP. Hải Phòng được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt vào ngày 29/10/2010 và tiến hành thông xe vào ngày 4/9/2017.
Dự án cầu vượt biển này có tổng mức đầu tư gần 11.850 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Với tổng chiều dài 15,63km, trong đó phần vượt biển dài 5,44km, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đã trở thành cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á.
Dự án Tân Vũ - Lạch Huyện bao gồm ba phần: đường dẫn Hải An, cầu Đình Vũ - Cát Hải và đường dẫn Cát Hải. Điểm đầu (Km 0) tại nút giao Tân Vũ thuộc địa phận quận Hải An, TP. Hải Phòng và điểm cuối (Km15+630) tại vị trí tiếp giáp cảng Lạch Huyện, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.
Phần vượt biển dài 5,44km, bề rộng mặt cầu 16m, thiết kế 4 làn xe chạy, có khả năng mở rộng lên 6 làn xe trong giai đoạn hoàn chỉnh. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực với phương pháp tiên tiến lắp ghép từng nhịp.
Khi cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đi vào hoạt động, thời gian di chuyển bằng ô tô giữa trung tâm TP. Hải Phòng và đảo Cát Hải giảm xuống còn khoảng 5 phút thay vì hàng tiếng đồng hồ như trước đây khi sử dụng phà; điều này giúp giảm tai nạn, rủi ro, tránh tắc nghẽn giao thông và thúc đẩy các hoạt động du lịch tại đảo Cát Bà cũng như các khu vực lân cận.
Cây cầu kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long và Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, hỗ trợ vận tải hàng hóa ra cảng trong khu vực tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Đường hầm đặc biệt dài 4,5km
Công trình giao thông vượt biển dài nhất Việt Nam còn đặc biệt khi sở hữu một đường hầm bí ẩn được xem là hộp kỹ thuật khổng lồ.
Cầu được xây dựng bằng phương pháp ghép nối các khoang đúc sẵn, mỗi khoang dài 60m, tạo thành 88 khoang liên kết với nhau, từ đó tạo nên đường hầm đặc biệt dài 4,5km. Hầm cầu có chiều ngang 9m và cao trên 2,5m.
Bên trong hầm, hệ thống cáp được lắp nối dài, với mỗi khoang có 12 bó cáp dự ứng lực, đóng vai trò chủ yếu là chịu lực cho cầu.
Hệ thống cáp bên trong đường hầm đảm bảo sự vận hành của cầu vượt biển, đáp ứng cho phương tiện chạy với vận tốc 80km/h trên 4 làn đường. Đường hầm này chỉ dành cho đội ngũ kỹ thuật và người ngoài không được phép vào. Hệ thống điện chiếu sáng đã được lắp đặt bên trong hầm để hỗ trợ cho việc duy tu và bảo dưỡng.