DNNN thua lỗ: Tăng quyền tự chủ và giám sát phù hợp

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là trụ cột, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế, nắm giữ nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua bên cạnh các DN làm ăn có lãi, một số lại đang thua lỗ, nguy cơ mất an toàn tài chính

Nhiều năm lỗ luỹ kế, nguy cơ mất an toàn tài chính

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, khoản đầu tư của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vào một số công ty tiềm ẩn rủi ro mất vốn. Tính đến hết ngày 31/12/2023, Vicem trích lập dự phòng tổn thất cho 7 khoản đầu tư với số tiền khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Vicem đã rót khoảng 1.605 tỷ đồng (chiếm gần 83% vốn điều lệ) vào công ty cổ phần Xi măng Hạ Long. Đến hết năm ngoái, Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế hơn 4.900 tỷ, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm 2.960 tỷ đồng. Vicem trích lập dự phòng rủi ro tại công ty này khoảng 1.605 tỷ.

Được biết, Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần nhà nước từ Tổng công ty Sông Đà về Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam năm 2016.

Nhà máy xi măng Hạ Long 
Nhà máy xi măng Hạ Long 

Còn tại công ty Xi măng Tam Điệp, Vicem đã đầu tư khoảng 1.132 tỷ đồng, (chiếm 100% vốn điều lệ). Tuy nhiên, công ty con này đã lỗ lũy kế khoảng 1.126 tỷ, tương đương 99,5% vốn góp của chủ sở hữu. Công ty đang mất cân đối vốn, khả năng thanh toán nợ thấp. Tổng công ty Xi măng Việt Nam đang hỗ trợ cho Công ty vay vốn để thanh toán các khoản nợ đến hạn với tổng số tiền là 396 tỷ đồng.

Tại Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao, số vốn Vicem đã đầu tư là hơn 516 tỷ đồng (chiếm hơn 80% vốn điều lệ). Đến hết 31/12/2023, công ty lỗ luỹ kế hơn 312 tỷ đồng, tương ứng 49% vốn góp của Vicem. Tổng công ty này đã trích lập 252 tỷ cho khoản đầu tư vào Vicem Sông Thao.

Tình hình tương tự tại các đơn vị như Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân, Công ty Cổ phần Sông Đà 12, Công ty cổ phần Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai – Kratie…với số vốn Vicem đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đều trong tình trạng lỗ luỹ kế. Thanh tra Bộ Tài chính kết luận: các công ty có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.

Trước đó, cũng theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tháng 9/2024, tính đến cuối năm 2023, có 134 doanh nghiệp có vốn nhà nước còn lỗ luỹ kế khoảng 115.270 tỷ đồng (hơn 4,6 tỷ USD).

Lỗ luỹ kế nặng nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi tiếp tục âm 26.772 tỷ đồng, tăng lỗ 6.025 tỷ đồng so với năm 2022. Nguyên nhân được lý giải là do EVN phải huy động các nguồn điện giá cao. Bên cạnh đó, EVN là đơn vị chịu ảnh hưởng điều tiết giá của Nhà nước, nên giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp vào chi phí.

Đối với lĩnh vực hàng không, VNA cũng rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính, mất khả năng thanh toán ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Cụ thể, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 công ty mẹ lỗ 4.798 tỷ đồng, giảm mức lỗ so với năm 2022 là 4.055 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của VNA đang âm 8.377 tỷ đồng.

Tăng quyền tự chủ, gắn với giám sát thích hợp

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh 
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh 

Trao đổi với VietnamFinance, TS Võ Trí Thành cho rằng, trong khoảng 5 - 6 năm qua, không phải tất cả các DNNN đều thua lỗ, yếu kém, có rất nhiều DN không chỉ làm ăn có lãi, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, mà giá trị thương hiệu tạo dựng được cũng rất lớn.

Cùng với đó, câu chuyện 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương, cơ quan chức năng trong vài năm trở lại đây cũng đã xử lý được một số doanh nghiệp thuộc nhóm hoá chất của Vinachem: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc hoặc Nhiệt điện Thái Bình 2…

Ông Thành nhận định rằng, khó khăn trong câu chuyện kinh doanh vốn nhà nước vẫn còn rất lớn, nhưng vẫn phải tiếp tục triển khai. Đồng thời, bài học từ các đại dự án thua lỗ vừa qua cũng rất đáng quý, cần phải rút kinh nghiệm từ những việc đã xử lý được.

“Cơ chế của nền kinh tế, mô hình phát triển của Việt Nam có vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp nhà nước”, ông Thành khẳng định.

Cũng theo TS Võ Trí Thành, vấn đề kinh doanh hiệu quả hay chưa hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn nhà nước cần phải có góc nhìn công bằng. Đầu tiên, có thể nhìn nhận doanh nghiệp sở hữu nhà nước, luôn tồn tại vấn đề cốt lõi là xung đột lợi ích giữa một bên là công, một bên là tư. Kế đến, là vấn đề đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chưa kể đến một số lĩnh vực kinh doanh của các DN vốn nhà nước có tính chất độc quyền.

“Đó là lý do vì sao các DNNN dễ có nguy cơ kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến việc thất thoát vốn nhà nước”, TS Thành nói thêm.

TS Võ Trí Thành cho rằng, cần có chính sách để nâng cấp, phát triển các doanh nghiệp dân tộc 
TS Võ Trí Thành cho rằng, cần có chính sách để nâng cấp, phát triển các doanh nghiệp dân tộc 

Để có giải pháp cho vấn đề này, TS Võ Trí Thành nêu quan điểm, cần phải giải quyết được 4 yếu tố bao gồm: con người, động lực phát triển, quyền tự chủ và gắn với giám sát thích hợp.

Trong đó, việc đầu tiên là sửa đổi Luật số 69, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, làm sao tăng phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tách bạch giữa quản lý dòng vốn, dòng tiền và quản lý pháp nhân, đi kèm với đó là giám sát thích hợp.

Tiếp theo cần quan tâm đến công tác cán bộ, tạo động lực cho họ làm việc, quỹ để lại cho doanh nghiệp, chế độ lương, thưởng đều cần phải quan tâm đúng mức.

Thứ ba, quan trọng là tiếp tục việc cải tổ, xử lý các doanh nghiệp yếu kém, bài học vừa rồi cần được rút kinh nghiệm. Cùng với đó, hoàn thiện về pháp luật, quản trị, chú trọng chất lượng nguồn nhân lực.

Cuối cùng, cần có chính sách để nâng cấp, phát triển các doanh nghiệp dân tộc theo nội dung nghị quyết 41 - NQ/TW của Bộ Chính trị. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh làm sao công bằng, minh bạch, an toàn, để một số DNNN lớn, kể cả DN tư nhân tầm cỡ hoặc có tiềm năng phát triển lớn mạnh, tạo ra động lực mới cho kinh tế đất nước, và giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế nước nhà.

Xuân Thạch

Theo VietnamFinance