Đô thị thiếu trường học, công viên: Tại doanh nghiệp hay ai?

Quy hoạch đã có mà việc phát triển chung cư, nhà cao tầng lộn xộn, thiếu công viên, trường học... thì đó là lỗi của người quản lý phát triển đô thị.

Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri vào tháng 1/2020, Bộ Xây dựng thừa nhận tình trạng đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị tại các địa phương chưa đầy đủ, đồng bộ với việc phát triển khu công nghiệp đô thị.

Ngoài ra, có tình trạng một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nhưng cũng trong tình trạng chậm triển khai như tại Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, Khu đô thị mới Pháp Vân-Tứ Hiệp, Khu đô thị Việt Hưng...

Cùng với đó còn có một thực tế, sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp... ra khỏi nội đô Hà Nội, hầu hết quỹ đất trống được thay thế bằng các tòa nhà chọc trời hoặc các khu chung cư, khu đô thị hiện đại, ngược với quy hoạch đã được phê duyệt, rất hiếm các công trình cây xanh, công viên, trường học được xây dựng.

Ghi nhận thực tế này, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng không thể đổ hết lỗi cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp luôn muốn lợi ích, hiệu quả kinh doanh cao nhất, đồng vốn đầu tư của họ sinh lời tốt nhất.

"Doanh nghiệp nào cũng giống nhau, dĩ nhiên không phải doanh nghiệp không suy nghĩ đến lợi ích xã hội. Họ có suy nghĩ, song họ muốn cái đó chỉ là đóng góp một phần, còn lợi ích của doanh nghiệp bao giờ cũng là số một để đảm bảo sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.

Các dự án bất động sản, chung cư hoặc các công trình mang tính chất kinh doanh đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp nên được họ ưu tiên. Còn các công trình như công viên, trường học phục vụ cộng đồng thì  không đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp nên việc xây dựng những công trình công cộng này rất chậm là điều dễ hiểu", ông Nguyễn Văn Đính nói.

Vấn đề mấu chốt ở đây, theo Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, là sự quản lý và điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp muốn làm gì cũng phải tuân thủ quy hoạch  và quy hoạch ấy là cơ sở để cấp phép cho doanh nghiệp xây dựng cũng như kiểm soát doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư.

"Quy hoạch đã có và việc phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy hoạch. Nếu cơ quan quản lý phê duyệt mà không bám sát các chỉ tiêu quy hoạch thì rõ ràng phải xem lại vì quy hoạch là cả một hệ thống sinh thái rất ổn định cho một đô thị, đảm bảo các chỉ tiêu về  hạ tầng, cây xanh, điểm vui chơi công cộng, dịch vụ... với mật độ dân cư nhất định.

Khi dự án đưa lên, trên cơ sở thấy phù hợp với quy hoạch thì cơ quan quản lý mới phê duyệt và ngược lại. Còn bản thân doanh nghiệp có thể vẽ vời rất nhiều, tăng hệ số khai thác kinh doanh, khi ấy nhà quản lý phải yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh, nếu chấp nhận và điều chỉnh theo quy hoạch thì phê duyệt, không thì  thôi, điều này phải rất rõ ràng", ông Nguyễn Văn Đính chỉ rõ.

Cũng theo Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thực tế cho thấy, rất nhiều dự án rơi vào tình huống trên và buộc phải điều chỉnh, song cũng có dự án không phù hợp với quy hoạch vẫn được phê duyệt, mà theo ông, dường như có sự ưu ái nào đó làm phá vỡ kết cấu, hệ sinh thái đô thị của thành phố, các địa phương. Thậm chí, có không ít doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào hệ thống hạ tầng, dịch vụ xã hội công cộng nhưng phía quản lý lại có động thái không tích cực đối với doanh nghiệp, cuối cùng thành ra lại không ủng hộ họ.

"Cho nên, đây là bài toán thuộc về quản lý nhà nước. Có quy hoạch mà để phát triển nhà cao tầng lộn xộn, mật độ cao, thiếu công viên, trường học... thì lỗi ấy thuộc về người quản lý phát triển đô thị, còn doanh nghiệp không thể tính việc ấy được và cũng không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp được", ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh và dẫn trường hợp khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) là một bài học.

"Từng được coi là khu đô thị kiểu mẫu của Thủ đô nhưng 12 tòa nhà cao tầng chen chúc trên diện tích 3ha đã băm nát quy hoạch nơi này. Các doanh nghiệp chỉ muốn làm chỗ đẹp, đất công cộng ở khu vực Linh Đàm trong quy hoạch là một khu vực rất đẹp, cuối cùng chính quyền, cơ quan quản lý lại điều chỉnh đất công cộng thành công trình hỗn hợp, nhà ở và hệ quả là phá vỡ quy hoạch, đó là lỗi của quản lý nhà nước", ông Nguyễn Văn Đính chỉ rõ.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông, về mặt quản lý nhà nước, ai sai phải bị xử lý. Bởi quy định có mà không tuân thủ, vẫn cứ phê duyệt dù dự án không phù hợp với quy hoạch  thì về nguyên tắc ai sai đến đâu xử lý đến đó.

Mặt khác, đối với các dự án đã đầu tư xây dựng làm tăng áp lực của dịch vụ công cộng dẫn tới bị quá tải thì Nhà nước phải có chính sách như: buộc các dự án đó phải đóng góp tài chính để chính quyền có thêm nguồn kinh phí phát triển hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho sự thiếu hụt đó.

Bên cạnh đó, chính quyền phải chấp nhận giảm nguồn thu, đưa một số diện tích đất công vào bổ sung làm các công trình công cộng để xử lý hệ quả của những việc sai do quản lý.

 

Theo Thành Luân/ Báo Đất Việt

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/bat-dong-san/khong-gian-song/do-thi-thieu-truong-hoc-cong-vien-tai-doanh-nghiep-hay-ai-3396409/

Tin liên quan