Doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi số
Trong số các xu hướng, công nghệ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng.
Theo Zebra Technologies, ngành bán lẻ đã gặp nhiều khó khăn thách thức trong khoảng 3 năm qua, từ việc đóng cửa chưa từng có tiền lệ trên toàn cầu do COVID-19 cho tới quá trình mở cửa trở lại không đồng đều và bất ổn, cho đến trạng thái “bình thường mới” trong việc đối mặt với các thách thức về lạm phát, chuỗi cung ứng và tình trạng bất trắc chung.
Trong bối cảnh đó, việc cung cấp cho khách hàng những sản phẩm họ mong muốn là yếu tố rất quan trọng, là nhân tố cốt lõi trong hoạt động của một doanh nghiệp bán lẻ.
Tối ưu hoá hàng tồn kho, bao gồm phòng ngừa thất thoát
Theo Nghiên cứu mua sắm toàn cầu thường niên lần thứ 15 của Zebra, cả khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng và khách hàng mua trực tuyến đều coi tính sẵn có và đa dạng của sản phẩm là hai lý do hàng đầu khiến họ mua sắm tại một địa điểm bán lẻ trực tiếp hoặc trực tuyến.
Về phía cung, dự báo sẽ có nhiều thách thức về nguồn hàng và giá cả. Hơn nữa, lãi suất cao làm tăng chi phí vận chuyển, khiến các nhà bán lẻ đặt mục tiêu giảm chi phí vận chuyển hàng hoá. Về phía cầu, điện thoại thông minh cho phép khách hàng có thể nhanh chóng so sánh các cửa hàng, trong khi việc dự đoán hành vi của người tiêu dùng trong tương lai trở nên khó khăn hơn trong điều kiện lạm phát.
Doanh nghiệp bán lẻ đang đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Lo ngại về tình trạng thất thoát và trộm cắp trong ngành bán lẻ đang ngày càng tăng và các nhà bán lẻ được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều hơn cho các nỗ lực phát triển bền vững toàn cầu. Ngoài việc cần đặt đúng đơn hàng (như đúng chủng loại, kích cỡ và các yếu tố khác), thì các doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023 sẽ cần có cái nhìn toàn diện về hàng trong kho trên một số khía cạnh chính:
Mức độ sẵn có trên kệ: nhận, di chuyển, kiểm đếm và mua bán hàng hoá để đảm bảo tính chính xác và sẵn có.
Hiện đại hóa việc thực hiện đơn hàng tại cửa hàng: quan sát vị trí hàng hoá theo thời gian thực.
Bảo vệ tài sản: nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng hoá nhờ các hoạt động đầu tư và thực hành tích cực chống trộm cắp và lừa đảo.
Trải nghiệm mua sắm đồng nhất, liền mạch trên các kênh
Người tiêu dùng ngày nay yêu cầu sự liền mạch, linh hoạt với những trải nghiệm riêng lẻ trước đây trong việc duyệt, tìm hiểu, mua sắm và tiêu thụ sản phẩm của nhà bán lẻ. Thay đổi căn bản này bắt buộc người bán cần tư duy lại về các hoạt động bán lẻ. Năm 2023 dự kiến những trải nghiệm này sẽ còn tiếp tục được cải thiện và mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà bán lẻ.
Một số yếu tố chính giúp tăng khả năng sinh lời cho các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống bao gồm: Hiện đại hóa quy trình thực hiện đơn hàng tại cửa hàng: quản lý giám sát hàng tồn kho theo thời gian thực để hợp lý hóa các tác vụ thực hiện đơn hàng.
Mở rộng khả năng quan sát cho toàn mạng lưới phân phối: tăng cường tính linh hoạt trong quan sát các cửa hàng, nhà kho và trung tâm phân phối, nơi có thể xảy ra trùng lặp trong hoạt động phân phối qua thương mại điện tử và thực hiện đơn hàng tại cửa hàng trực tiếp.
Tối ưu hóa hoạt động hậu cần ngược: nâng cao hiệu quả và kết quả kinh doanh để mang lại lợi nhuận cao hơn.
Giảm nhân lực, nhưng tăng cường trang bị công nghệ, nâng cao năng suất làm việc
Nhân viên bán hàng có thể là hạng mục chi phí lớn nhất của nhiều nhà bán lẻ, và nhiều vị trí công việc này thường bị bỏ trống. Tự động hóa lấy con người làm trung tâm thường là một giải pháp giúp giảm bớt các công việc lặp lại và tẻ nhạt, giải phóng thời gian để nhân viên bán hàng thực hiện các công việc có giá trị cao hơn như hỗ trợ khách hàng.
Nhờ tối ưu hóa quá trình quản lý lực lượng lao động, các nhà bán lẻ có thể dự báo chính xác nhu cầu về lực lượng lao động, kết hợp với các kỹ năng và thời vụ thích phù hợp để tối ưu hóa thời gian làm việc cho nhân viên và áp dụng các cơ chế dễ dàng để đăng ký nghỉ, đổi ca và đáp ứng các nhu cầu khác của nhân viên.
Ông Christanto Suryadarma, Phó Chủ tịch Kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Zebra Technologies Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Đáng chú ý, thị trường bán lẻ của Việt Nam ước tính sẽ tăng thêm 163,5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 11,4% trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2027, chiếm khoảng 12% GDP của cả nước. Chính phủ Việt Nam coi chuyển đổi số là một nhân tố thiết yếu để duy trì tăng trưởng và thịnh vượng của cả nước. Theo tư duy đó, các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số vào năm 2023 và những năm tới”.