Vay vốn ngân hàng: Hứa hẹn giải ngân khi mua kèm bảo hiểm

Việc công ty bảo hiểm hợp tác với các ngân hàng để bán sản phẩm (còn gọi là kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - bancassurance) nở rộ tại Việt Nam khoảng 3-4 năm trở lại đây. Mặc dù mang đến lợi nhuận cho cả 2 phía, tuy nhiên, hoạt động này dần biến tướng và để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính.

Vay vốn ngân hàng: Hứa hẹn giải ngân khi mua kèm bảo hiểm - Ảnh 1

Áp lực bảo hiểm “bia kèm lạc”

Đối với nhiều ngân hàng, đôi khi bán bảo hiểm được coi là một trong các chỉ số đánh giá cho từng nhân viên, tương tự như huy động vốn, tín dụng, phát hành thẻ… Chính do áp lực về doanh số nên thời gian gần đây tình trạng ngân hàng ép khách phải mua bảo hiểm nhân thọ trước khi giải ngân diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho người đi vay.

Chị Lê Mỹ Ngọc (quận 6, TP.HCM) cho biết do phát sinh nhu cầu mua nhà nên chị đã đến chi nhánh một ngân hàng thương mại trong khu vực để vay vốn. Trong quá trình làm thủ tục hoàn tất hồ sơ, chị được nhân viên phụ trách duyệt giấy tờ yêu cầu mua gói bảo hiểm nhân thọ khoảng 20 triệu đồng/ năm. Lúc này, chị từ chối vì cả nhà 3 người đã đều đóng bảo hiểm y tế tại cơ quan. Tuy nhiên, nhân viên ngỏ ý thuyết phục “chỉ khi mua thêm bảo hiểm nhân thọ thì khả năng được giải quyết hồ sơ và giải ngân vốn vay nhanh hơn”.

Tuy nhiên, chị Ngọc nhất quyết không đồng ý trước lời mời chào này và tỏ ra khó chịu cho biết nếu không giải ngân thì chị tìm ngân hàng khác. Trước sự gay gắt của chị, nhân viên ngân hàng đã hạ giá gói bảo hiểm xuống còn 10 triệu đồng/năm, song chị vẫn kiên quyết không mua thêm. Kết quả là ngân hàng này đành giải ngân khoản vay cho chị mà không bán được hợp đồng bảo hiểm.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được như chị Ngọc bởi việc ngân hàng có chịu “buông tha” cho người vay hay không còn tùy thuộc vào nhân viên hoặc chi nhánh đó đã đủ chỉ tiêu doanh số bán bảo hiểm tháng đó hay chưa. Xét cho cùng, người đi vay vẫn luôn ở vào thế bị động. Ai đang ở vào thế cần tiền ngay sẽ buộc phải "cắn răng" bỏ ra một khoản vài chục triệu đồng mua bảo hiểm coi như "phí giải ngân".

Bản thân các nhân viên ngân hàng cũng bị ép chỉ tiêu hoặc chạy theo các đợt thi đua với phần thưởng hậu hĩnh cho việc bán thật nhiều bảo hiểm. Nhiều trường hợp nhân viên tư vấn trao đổi với khách hàng rằng, ngân hàng chỉ ưu tiên duyệt nhanh hồ sơ vay vốn nhanh đối với trường hợp mua kèm bảo hiểm nhân thọ vì room tín dụng ngân hàng có hạn chế.    

Ảnh minh họa: Internet  
Ảnh minh họa: Internet  

Cần trị dứt điểm

Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực cho biết, theo quy định của pháp luật thì trong hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng và khách hàng không có điều kiện bắt buộc mua bảo hiểm mà chỉ là khuyến khích. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng mua thêm bảo hiểm đối với khoản vay là thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên. Nhân viên ngân hàng chỉ khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm căn hộ, bảo hiểm xe hoặc bảo hiểm khoản vay chứ không được ép họ mua bảo hiểm nhân thọ...

“Trên thực tế việc tham gia bảo hiểm với các khoản vay, nếu như khách hàng không may có sự cố xảy ra ngoài ý muốn, công ty bảo hiểm thay khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, người vay cũng thoát khỏi giai đoạn khó khăn trước mắt,” ông Lực cho hay.

Trả lời về tình trạng tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm sau đó mới giải ngân, ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc tham gia bảo hiểm của khách hàng là tự nguyện. Nếu nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt.

Ông Phi cũng cho biết thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng tuyệt đối không để tình trạng có nhân viên yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm sau đó mới thực hiện giải ngân.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chi nhánh tỉnh, thành phố nếu phát hiện các tổ chức tín dụng, cá nhân yêu cầu, ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm rồi mới giải ngân vốn vay thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt nghiêm túc vấn đề này. Đâu đó có những lúc, những chỗ xảy ra tình trạng này nhưng không phải là hiện tượng phổ biến. Chúng tôi rất quan tâm và mong nhận được thông tin của các cơ quan báo chí. Phát hiện trường hợp nào chúng tôi sẽ kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm,” ông Phi nhấn mạnh.

Vì vậy, đây là vấn đề cần xử lý dứt điểm, tuy chưa phải là hiện tượng phổ biến nhưng việc ngăn chặn ngay từ đầu là rất cần thiết. Hòng duy trì một thị trường tài chính bền vững, có lợi cho các bên trong giao dịch vay vốn.

Theo Chất lượng và Cuộc sống