Doanh nghiệp bất động sản: Huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng, quản lý rủi ro

Đưa ra khuyến nghị với doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong bối cảnh phát triển nguồn vốn đang gặp khó, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị doanh nghiệp khi huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng và quan tâm quản lý rủi ro tài sản.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trích dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 6 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng BĐS tăng14%; tổng dư nợ tín dụng BĐS hơn 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong đó, cho vay nhà ở chiếm 67% (1,58 triệu tỷ đồng), còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 33% (0,78 triệu tỷ đồng).

Tính đến hết tháng 7/2022, số doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới là 6.000 doanh nghiệp, tăng 23,7%, với số vốn đăng ký gần 300 nghìn tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS đạt hơn 2 tỷ USD (chiếm 16%) và đứng thứ 2 trong các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

TS Cấn Văn Lực- chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.  
TS Cấn Văn Lực- chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.  

Cũng trong 7 tháng đầu năm, theo VNDirect, thị trường BĐS phát hành hơn 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm doanh nghiệp BĐS phát hành 45 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 22% trong tổng số phát hành trên toàn thị trường BĐS và giảm 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Điều này cho thấy, đã xảy ra sự nghẽn dòng vốn đối với doanh nghiệp BĐS trong những tháng đầu năm 2022 khiến cho thị trường giảm nhiệt, mất cân đối cung cầu (cung không thể tăng mà cầu thì không giảm).

Cùng với đó, các dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường BĐS giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm và giảm đà phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp BĐS lo lắng và lưỡng lự triển khai hoạt động đầu tư.

Trước thực trạng này, theo ông Lực, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp nắn dòng vốn chứ không “làm nghẽn” dòng vốn; quan tâm hơn tới rủi ro hệ thống tài chính, điều tiết cung cầu BĐS và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư bị tác động từ những vụ việc vi phạm trên lĩnh vực này thời gian qua.

Tiếp tục kiểm soát tình trạng sốt BĐS đất nền, tình trạng đầu cơ, thao túng giá và đẩy nhanh đầu tư công; hoàn thiện thể chế chính sách và có những quy định cần thiết để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp BĐS.

“Cần có hướng dẫn cho phép thành lập các định chế tài chính BĐS chuyên biệt như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư BĐS. Có lộ trình đánh thuế BĐS phù hợp theo hướng minh bạch, công bằng và thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiền mặt khi giao dịch BĐS”, ông Lực nhấn mạnh.

Đối với doanh nghiệp, ông Lực khuyến nghị, ngoài tín dụng, doanh nghiệp BĐS cần lưu tâm, linh hoạt huy động vốn từ các kênh khác như phát hành trái phiếu, chào bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư, thuê tài chính.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam