Doanh nghiệp bất động sản trong “guồng quay” dừng lại hoặc tăng tốc?
Trong tháng 5, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thế cũng duy trì xu hướng tăng.
Ranh giới giải thể và tiếp tục của doanh nghiệp bất động sản
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, trong 5 tháng đầu năm nay, ngành kinh doanh bất động sản có 1.782 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 102,2% so với cùng kỳ 2023.
Số quay trở lại hoạt động là 1.529 doanh nghiệp, bằng 124,7% so với cùng kỳ.
Số tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 2.996 doanh nghiệp, bằng 141,6% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này của năm ngoái là 2.116 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể 489, bằng 107,2% so với cùng kỳ 2023.
Về tổng thể, 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Riêng trong tháng 5, cả nước có hơn 13,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,7% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có 6.749 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 18,8% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023; 5.303 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 30,4% và giảm 1,1%; 4.550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,3% và giảm 3,5%; 1.538 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,4% và tăng 25,8%.
Từ thông tin trên có thể thấy tình hình hoạt động bất động sản đã ghi nhận nhiều chuyển biến, mặc dù số doanh nghiệp giải thể vẫn duy trì ở mức cao so với những tín hiệu khởi sắc thị trường.
Cụ thể, trước đó, báo cáo của Bộ Xây dựng công bố, giao dịch bất động sản trong quý I vừa qua đang có xu hướng tăng so với quý IV/2023.
Trong quý I vừa qua, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 35.853 giao dịch thành công; lượng giao dịch đất nền có 97.659 giao dịch thành công.
Lượng giao dịch trong 3 phân khúc đất nền, căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý I có xu hướng tăng so với quý IV/2023 (trong quý IV/2023 có 27.590 giao dịch nhà ở riêng lẻ và chung cư, có 81.476 giao dịch đất nền).
Theo đó, lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ bằng 129,95% so với quý IV/2023, bằng 81,51% so với cùng kỳ năm 2023; lượng giao dịch đất nền bằng 119,86% so với quý IV/2023 và bằng 145,18% so với cùng kỳ năm 2023”, báo cáo nêu rõ.
Báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê TP.HCM cũng chỉ ra, trong tháng 5, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại TP.HCM ước đạt 101.814 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,4%.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm nay, doanh thu dịch vụ khác của thành phố ước đạt 172.491 tỷ đồng, tăng 8,6%; trong đó, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 101.814 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,4%.
Như vậy, với kết quả trên, bước qua tháng 5, ngành kinh doanh bất động sản tại TP.HCM đón nhận thêm một tháng khởi sắc. Trước đó, 4 tháng đầu năm nay, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 80.845 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp bất động sản vào thế “tăng tốc”?
Có thể thấy, thời gian qua, đứng trước vô vàn khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã chủ động thanh lý tài sản, cơ cấu lại nợ nần, tinh gọn bộ máy, tháo gỡ từng bước các vướng mắc pháp lý dự án để tìm cách vượt thoát những cam go.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp bất động sản hầu như đã hoàn thiện quá trình tái cơ cấu, điều chỉnh phù hợp để “khỏe” hơn. Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản nói chung và doanh nghiệp môi giới nói riêng đều thể hiện tâm lý lạc quan khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng cao so với kết quả đạt được năm 2023.
Hiện nhiều chủ đầu tư đang rục rịch nghiên cứu kế hoạch bán hàng trong thời gian sắp tới, các sàn giao dịch bắt đầu tuyển quân, sẵn sàng nguồn hàng phân phối.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho biết hiện nay nội lực thị trường đang được cấu trúc lại, cộng thêm việc Chính phủ đã có nhiều hành động quyết liệt điều hành vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho thị trường, đặc biệt là hoàn chỉnh kiện toàn lại thể chế cũng như thúc đẩy giải pháp đầu tư công, phát triển các quy hoạch, các khu kinh tế,… làm tăng các cơ hội và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Chính vì vậy, thị trường bất động sản đang dần tích cực lên. Nhiều dữ liệu cho thấy, các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả hơn, giao dịch có sự cải thiện.
“Ở quý I và II/2024 cho thấy, các chỉ số đều có cải thiện nhưng không phải tăng mạnh, chỉ tăng ở mức độ cho thấy có dấu hiệu của hồi phục. Thị trường ở những tháng cuối năm 2024 sẽ ổn định hơn so với năm 2023 và so với đầu năm 2024. Từ giờ đến cuối năm, tốc độ tăng trưởng hàng quý của giao dịch, nguồn cung, chỉ số niềm tin,… sẽ ở mức vừa phải giao động khoảng 10%. Thời gian tới, các dự án buộc phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn nên khó có nhiều dự án mới nên sẽ chưa có nhiều nguồn cung, chưa thoả mãn được sức cầu dẫn đến giá vẫn chưa thể giảm nhiệt, thậm chí sẽ có sự tăng nhẹ dưới 10%”, ông Đính nhận định.
Trong khi đó, TS.Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện DXS - FERI cho rằng, ngoài việc tăng tuyển dụng, mở rộng quy mô, sẵn sàng đón đầu chu kỳ phục hồi của thị trường, các sàn giao dịch cũng tăng cường liên minh, liên kết để tạo ra đối trọng đủ mạnh để giành quyền phân phối độc quyền dự án hoặc chí ít thì cũng làm F1 của chủ đầu tư.
Thậm chí, các nhóm nhỏ môi giới cá nhân cũng đang chú trọng vào việc xây dựng mối quan hệ và kết nối chặt chẽ với nhau, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và hiệu quả kinh doanh…