Doanh nghiệp BĐS thuộc nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bởi dịch Covid-19
Tại buổi Đối thoại, tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua Covid-19, VCCI cho biết, nhiều nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bởi dịch bệnh, trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Trình bày báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, trong năm 2020, qua khảo sát 10.197 doanh nghiệp, trong đó có 8.633 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp thuộc khu vực FDI cho thấy: Có tới 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” do dịch bệnh Covid-19.
Đáng chú ý, ông Tuấn nhấn mạnh, tác động của dịch bệnh Covid-19 với doanh nghiệp ở một số ngành là đặc biệt lớn. Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao, bao gồm: Bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%).
Về mặt địa lý, ở các khu vực duyên hải miền Trung, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, suy giảm nhiều hơn (91% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực) và các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại khu vực Tây Nguyên (94% doanh nghiệp). Những tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực cao nhất là Đà Nẵng (98%), Kon Tum và Khánh Hoà (95%).
Các khó khăn lớn đối với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch xếp theo tỷ lệ chịu ảnh hưởng lần lượt là: Tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%). Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với doanh nghiệp FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).
Ông Anh Tuấn cho hay: “Mặc dù điều tra này kết thúc vào tháng 12/2020, nhưng kết quả thu được vẫn khá sát với con số 85,7% doanh nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 mà Tổng cục Thống kê đã công bố ngày 27/4/2020. Điều này cho thấy, tác động của dịch bệnh vẫn đang dai dẳng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Nghiên cứu cũng tìm hiểu sâu hơn về các tác động đến lực lượng lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc.
Các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ VCCI mới đây cũng cho thấy, các chính sách ban hành còn bộc lộ bất cập, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin về các chính sách hỗ trợ, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, đơn giản hoá các tiêu chí, điều kiện tiếp cận cũng như đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ.
Đại diện VCCI cho rằng, cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.
“Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp. Đậc biệt, cần nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động”, ông Tuấn nói.
Cùng đó, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.
Cũng tại buổi đối thoại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, năm 2020 cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp để vượt lên hoàn cảnh khó khăn và chúng ta đã phát hiện ra rằng khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt.
“Doanh nghiệp cũng đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch. Doanh nghiệp phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cũng ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng… Các sáng kiến trong ứng phó với Covid-19 đã được các doanh nghiệp thực hiện. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai. Đó là những bài học và trải nghiệm vô giá từ Covid-19”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh./.