Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài lãi lỗ ra sao?
Trong năm 2023, có 23 dự án doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài bị lỗ với tổng số lỗ là 133,21 triệu USD, giảm lỗ 130,19 triệu USD, giảm 49,4% so với năm 2022; 64 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 690,4 triệu USD.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện đầu tư ra nước ngoài cho thấy, năm 2023, số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện là 52,64 triệu USD tại 9 dự án, chủ yếu tại các dự án của các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) (3 dự án với tổng số vốn đầu tư thực hiện trong năm là 49,21 triệu USD).
Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và các công ty con (sau đây gọi tắt là khối doanh nghiệp có vốn nhà nước) đến ngày 31/12/2023 là 5.966,95 triệu USD (bằng 53,65% số vốn đầu tư đăng ký).
Trong đó, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất (3.373,1 triệu USD, chiếm 56,53% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài); tiếp theo là Viettel (1.472,17 triệu USD, chiếm 24,67%); VRG đứng thứ ba (773,47 triệu USD, chiếm 12,96%). Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 03 doanh nghiệp này chiếm 94,16% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài tiếp tục duy trì chủ yếu trong các lĩnh vực: dầu khí; viễn thông; trồng, chế biến mủ cao su và các lĩnh vực khác (khai thác khoáng sản; nông nghiệp; xây lắp, thương mại, vận tải hàng không...). Trong đó, lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su là các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất với số vốn đầu tư ra nước ngoài chiếm 95,92% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài.
Năm 2023, số tiền thu hồi là 261,88 triệu USD (trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 153,58 triệu USD); chủ yếu là từ các dự án của PVN: 106,94 triệu USD (lợi nhuận chuyển về nước: 29,32 triệu USD, thu hồi khác: 77,62 triệu USD); Viettel: 87,05 triệu USD (lợi nhuận chuyển về nước là 71,84 triệu USD, thu hồi gốc và lãi cho vay từ cho vay cổ đông: 15,14 triệu USD, thu hồi khác: 0,07 triệu USD); VRG: 30,34 triệu USD (lợi nhuận chuyển về nước là 28,88 triệu USD, thu hồi gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 1,46 triệu USD).
Lũy kế đến ngày 31/12/2023, có 76 dự án đầu tư ra nước ngoài của 18 doanh nghiệp đã phát sinh các khoản thu hồi (tăng 4 dự án so với năm 2022), với tổng số tiền lũy kế là 3.702,83 triệu USD (trong đó lợi nhuận chuyển về nước là 2.003,73 triệu USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 899,12 triệu USD, thu hồi khác: 799,98 triệu USD), bằng 62,06% tổng số vốn đã đầu tư ra nước ngoài.
PVN có số tiền thu hồi lớn nhất, là 2.379,2 triệu USD (chiếm 64,25% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 1.084,85 triệu USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 549,12 triệu USD, thu hồi khác: 745,23 triệu USD ), đứng thứ hai là Viettel với 1.037,48 triệu USD (chiếm 28,02% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là 726,22 triệu USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông: 311,14 triệu USD, thu nhập khác: 0,12 triệu USD); số tiền đã thu hồi của 02 doanh nghiệp này chiếm 90,08% tổng số tiền đã thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Về kết quả sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư ra nước ngoài, theo đó, năm 2023, có 87 dự án phát sinh doanh thu với tổng doanh thu là 9.569,54 triệu USD, giảm 1,2% so với năm 2022. Trong đó: 64 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 690,4 triệu USD (tăng 120,85 triệu USD, tương ứng 21,22% so với năm 2022). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 191,95 triệu USD (giảm 62,79 triệu USD, tương ứng giảm 24,65% so với năm 2022).
Bên cạnh đó, cũng trong năm 2023, có 23 dự án bị lỗ (giảm 6 dự án so với năm 2022) với tổng số lỗ là 133,21 triệu USD (số lỗ giảm 130,19 triệu USD, giảm 49,4% so với năm 2022).
Đến 31/12/2023, có 43 dự án có lỗ lũy kế (năm 2022: 43 dự án) với tổng số lỗ lũy kế là 1.322,86 triệu USD (giảm 118,21 triệu USD, tương đương 8,2% so với năm 2022).
Đến ngày 31/12/2023, có 29% doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các công ty con cấp 1, cấp 2. Trong đó 10 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng; 1 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương; UBND TP Hà Nội, Tp.HCM mỗi thành phố có 2 doanh nghiệp; UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Đắk Lắk, An Giang có 1 doanh nghiệp.