Doanh nghiệp “đau đầu” với tỷ giá, lãi suất

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng 2022 là năm thực sự khó khăn với ngành thép, trong đó áp lực tỷ giá cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh ngành này.

 

Doanh nghiệp “đau đầu” với tỷ giá, lãi suất - Ảnh 1

Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng 2022 là năm thực sự khó khăn với ngành thép.

Trong những khó khăn bủa vây, lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam khẳng định áp lực tỷ giá cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành thép.

“Khi tỷ giá tăng sẽ thuận lợi trong việc xuất khẩu. Tuy nhiên, với ngành thép, thị trường chính của Việt Nam vẫn là thị trường trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần”, ông Thảo cho hay.

Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, phế liệu… phải nhập khẩu. Việc tỷ giá tăng sẽ tác động lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp nói chung và với Tổng công ty Thép Việt Nam nói riêng.

Khó khăn còn tăng thêm khi mà để kiềm chế tỷ giá, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là phải tăng lãi suất. Chính điều này là tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, đặc biệt với doanh nghiệp ngành thép.

Tính chung trong quý 3/2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sa sút đáng kể. Đơn cử, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lần đầu tiên báo lỗ sau nhiều năm khi lợi nhuận ròng quý vừa rồi âm 1.786 tỷ đồng. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của Hòa Phát đã giảm mạnh từ 23% trong quý 2 xuống còn 3% trong quý 3.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng thu về lợi nhuận âm 887 tỷ đồng, trong khi quý 2 lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 265 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang đứng trước nguy cơ suy thoái trước sự thay đổi về chính sách đất đai và tiền tệ, cùng với đó, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm ngành xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng.

Cũng như ngành thép, doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng chịu áp lực của tỷ giá do phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết tỷ giá tăng khiến nguyên liệu nhập khẩu đầu vào của nhiều doanh nghiệp tăng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhiều hơn. Nhưng lãi suất cho vay quá cao khi lợi nhuận có xu hướng giảm đi, khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Đồng thời, các ngân hàng cho biết đã đạt mức tăng trưởng tín dụng. Kể cả khi tăng hạn mức tín dụng, với tình trạng tăng trưởng nguồn vốn thấp, ngân hàng cũng không đủ vốn để cho vay.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu phân bón năm 2022 mang về nguồn ngoại tệ lớn, dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD. Do vậy với ngành này, tỷ giá có tác động hai chiều.

Không chỉ các doanh nghiệp thép hay phân bón gặp phải vấn đề khi tỷ giá tăng cao, còn nhiều doanh nghiệp các ngạch hàng khác họ cũng đang chật vật để vượt qua giai đoạn này. 

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nhận định tỷ giá tăng có lợi cho xuất khẩu, bất lợi cho nhập khẩu chỉ đúng với một số đơn vị đặc thù.

"Với May 10, không bị lỗ chênh lệch tỷ giá là điều may mắn. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi từ thời điểm vay đến thời điểm đáo hạn tỷ giá đã tăng ở một mức khác”, ông nói.

Ông Việt chia sẻ thêm trong tháng 9, tháng 10, May 10 gặp khó khăn kép khi Ngân hàng Nhà nước hai lần nâng lãi suất điều hành, đồng thời trong tháng 10 tỷ giá tăng lên 4,6%.

“Từ đầu năm đến nay, theo như số liệu từ các chuyên gia, USD đã tăng 9,1% so với VND. Với tình hình này, nguy cơ ảnh hưởng đến lãi lỗ chênh lệch tỷ giá cho ngay cả nguyên phụ liệu đầu vào, không cẩn thận chưa làm đã lỗ, chưa nói đến lỗ trong khi làm vì doanh nghiệp còn phải trả tiền lương cho người lao động”, đại diện May 10 cảnh báo.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cũng cho rằng, để giảm thiểu áp lực cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu thì các chính sách về tỷ giá và lãi suất phải có tiên liệu, dự báo được cho doanh nghiệp. Bởi một đơn hàng từ lúc nhập nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã, xuất khẩu thường kéo dài khoảng 6 tháng.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng lãi suất là vấn đề cần được lưu ý.

"Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung thanh khoản và lãi suất", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nhiều doanh nghiệp đã cạn vốn, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường cũng rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản thực sự, với biểu hiện chiếm dụng vốn lẫn nhau cùng khối lượng lớn, lên tới hàng trăm nghìn tỷ.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống