Doanh nghiệp khốn đốn vì dịch Covid: Cứu ai?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, hỗ trợ ngành nào cần được xem xét cho thỏa đáng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam.

Dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy, hàng loạt ngành nghề đang đối mặt với vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ du lịch, nhà hàng, khách sạn đến dệt may; bán lẻ; cơ khí, chế tạo, ôtô; nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vận tải, logistics; hàng không; công nghệ thông tin, viễn thông...

Chia sẻ với khó khăn của các ngành kinh tế trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc hỗ trợ các ngành kinh tế tồn tại, hồi phục và phát triển là điều cần thiết. Bản thân các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, đổi lại, đứng trước khó khăn của doanh nghiệp, ngân sách nhà nước cũng có sự hỗ trợ.

Ông đánh giá, các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại bởi Covid-19 có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của nền kinh tế và có tính nhân văn cao, giúp cho các chủ thể có thể tồn tại, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Vậy nhưng việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn. Do đó, cần đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch dodovid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn.

"Đây là những khoản chi từ ngân sách nhà nước nên đòi hỏi phải có quy trình, yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục hành chính... Khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết đó thì mới giải ngân được, để tránh việc sử dụng không hiệu quả và lợi dụng của một số đối tượng, chi tiêu sai ngân sách nhà nước", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

Khẳng định cần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19, tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, hỗ trợ ngành nào thì cần được xem xét cho thỏa đáng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Điều kiện thực tiễn của nền kinh tế là gì thì cũng cần xem xét phù hợp.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ ngày giãn cách xã hội. Ảnh: VnExpress  
Sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ ngày giãn cách xã hội. Ảnh: VnExpress  
 

Ở đây, ông Thịnh đề nghị hai hướng:

Thứ nhất, Chính phủ nên xem xét những ngành có tính sống còn, thiết yếu đối với nền kinh tế quốc dân và sự tồn tại, phát triển của xã hội trong tương lai, tạo ra bước đột phá.

Thứ hai, có thể xem xét các doanh nghiệp hiện thời đang đóng góp lớn vào nền kinh tế, bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

"Như vậy, có thể nhìn vào tương lai các ngành tạo ra sức bật, và ở hiện tại thì nhìn vào những doanh nghiệp có thể hồi phục ngay trong thời gian đang diễn ra dịch bệnh, nếu những doanh nghiệp đó hồi phục thì cũng sẽ giúp cho các ngành khác hồi phục. Quan trọng hơn là phải cân đối trong khả năng vốn của ngân sách nhà nước, xếp theo thứ tự ưu tiên và giải trình của cơ quan quản lý nhà nước.

Doanh nghiệp nào, ngành nào cũng kêu khó khăn, nhưng ngân sách nhà nước như bà mẹ nghèo, các con cùng kêu làm sao đáp ứng hết được. Do vậy, phải có tính toán phù hợp", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý, với các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như dịch vụ hàng không, nhà hàng, khách sạn, du lịch... nếu còn dịch bệnh thì không thể kích thích các dịch vụ đó cung ứng trở lại. Dịch bệnh được khống chế thì nhu cầu thị trường mới xuất hiện trở lại. Vì vậy, lúc này, cần các gói chính sách dành cho những doanh nghiệp bị mất nhu cầu thị trường do dịch bệnh để kéo dài sức chống chịu, như hỗ trợ doanh nghiệp trả chi phí tiền công, tiền lương để họ không phải sa thải lao động, giãn thời gian trả các khoản vay cũ, giảm các chi phí tài chính liên quan đến thuê đất đai, nhà cửa...

Riêng với hàng không, đó là ngành quan trọng và có tốc độ phát triển cao. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong khoảng 10 năm trở lại đây (tính đến trước Covid-19), thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%/năm. Dự báo, đây vẫn là ngành phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt khi nhiều quốc gia trên thế giới đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 một cách rộng rãi và Việt Nam cũng đang gấp rút triển khai.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong một thời gian ngắn nữa, khoảng cuối năm nay, việc áp dụng hộ chiếu vaccine sẽ diễn ra, góp phần làm cho hoạt động hàng không trở lại bình thường. Vì thế, cần có những hỗ trợ nhất định cho ngành này, ít nhất là từ nay đến cuối năm.

"Về nguyên tắc, trong kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phải tự đổi mới, tự tái cấu trúc, tự mình vượt qua khó khăn. Nhưng do đại dịch Covid-19 quá đặc biệt, chưa có tiền lệ, đồng thời điều kiện phát triển của ngành vẫn tiếp tục sáng, nên Nhà nước có thể hỗ trợ ở một số khâu nhất định, như giảm lãi vay, giãn thời gian trả các khoản nợ cũ, giảm phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành, thuế môi trường... Điều này là cần thiết để các hãng hàng không tồn tại", ông Thịnh bày tỏ quan điểm.

Bộ KH-ĐT cho biết, dịch Covid-19 khiến thị trường vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng nhất. Nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh ở mức 34,5 - 65,9% so với năm 2019. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba trong giai đoạn cao điểm sát tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát). Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới bị thay đổi, dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021. Trường hợp tình hình COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động của ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch…

Bộ KH-ĐT cho biết, hãng Vietnam Airlines lỗ quý 1 ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ̉ đồng. Hiện số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã tới 6.240 tỷđồng và đang rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn.

Bamboo Airways và Vietjet Air đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.

Với những khó khăn trên, Bộ KH-ĐT đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021 - 2023 cho các hãng hàng không. Với mục đích giúp các hãng tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Cạnh đó, Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Cơ quan này cũng đề xuất, Bộ Tài chính sửa đổi quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quý liên tục.

Thành Luân

Theo Đất Việt