Doanh nghiệp kinh doanh BĐS rút khỏi thị trường có xu hướng tăng
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất, khi số doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 và 2023.
Doanh nghiệp bất động sản rút khỏi thị trường tăng mạnh
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay trong năm 2022, cả nước có 143.198 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số ngành có số lượng doanh nghiệp rút lui tăng cao như kinh doanh bất động sản (tăng 42,4%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 35,4%)…
Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 88.040 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (tăng 47,1%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 42%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 32,8%), xây dựng (tăng 25,5%)…
Như vậy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất. Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 42,4% so với năm 2021) và trong 5 tháng đầu năm 2023 (tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2022).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đang thực hiện quyết liệt các giải pháp một cách đồng bộ về tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất, tìm kiếm thị trường, đơn hàng,…để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực có số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng trong thời gian qua.
Bên cạnh hàng loạt các doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh, những doanh nghiệp địa ốc đang còn hoạt động cũng gặp không ít khó khăn. Trong bối cảnh chung thị trường bất động sản, hầu hết các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực môi giới bất động sản đều báo lỗ, thậm chí có doanh nghiệp nhiều tháng không ghi nhận doanh thu. Trong quý I/2023, không chỉ hầu hết các doanh nghiệp bất động sản báo lỗ, sự trầm lắng của thị trường bất động sản cũng thể hiện rõ nét qua báo cáo tài chính kỳ này có phần ảm đạm của nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản.
Tại CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland), doanh thu công ty trong quý I/2023 đạt 106 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới bất động sản là 69 tỷ đồng, giảm 76%. Cenland ghi nhận giảm trừ doanh thu chuyển nhượng bất động sản tới 52 tỷ đồng, vì vậy doanh thu thuần chỉ còn 53 tỷ đồng và báo lỗ sau thuế 8,8 tỷ đồng.
Giải trình về nguồn lỗ trên, Cenland cho biết, kỳ vừa qua doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn từ việc hầu hết các ngân hàng vẫn tiếp tục siết chặt các nguồn cho vay và mở rộng nhỏ giọt dư nợ cho vay đối với các giao dịch bất động sản. Đồng thời, kênh huy động vốn qua trái phiếu bị kiểm soát, lãi suất tăng cao gây áp lực lớn cho người mua nhà và chủ đầu tư. Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Cenland đạt 7.413 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm.
Tại CTCP Tập đoàn Danh Khôi, suốt 3 tháng đầu năm, công ty này không phát sinh doanh thu nào trong khi cùng kỳ năm ngoái kiếm được 51 tỷ đồng. Danh Khôi lý giải, do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến chưa kịp ghi nhận được doanh thu - lợi nhuận từ các dự án mà công ty đang hợp tác đầu tư và môi giới. Trừ đi các khoản chi phí, công ty ghi nhận lỗ 16,8 tỷ đồng trong kỳ. Trước đó trong quý IV/2022, Danh Khôi cũng chỉ kiếm được 1 tỷ đồng doanh thu và báo lỗ 60 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản chiếm tỷ lệ cao trong chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu
Liên quan đến tình hình thanh toán lãi và gốc trái phiếu đối với doanh nghiệp, theo thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu tháng 4 đến nay, đã có 14 doanh nghiệp thông báo chậm trả nợ trái phiếu. Trong đó, nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ lệ cao.
Thống kê của FiinRatings cho thấy, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bất động sản ghi nhận kém lạc quan nhìn từ việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu đến hạn đang tiếp tục tăng. Dư nợ chủ yếu đến từ các lô trái phiếu được tái cơ cấu thời gian đáo hạn.
Đến ngày 17/4, thị trường đã ghi nhận 89 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp, tổng giá trị hơn 110.000 tỷ đồng.
Cũng theo FiinRatings, tổng dư nợ trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trong quý II và III năm nay lần lượt ở mức 36.200 tỷ đồng và 35.400 tỷ đồng. Đây là con số lớn đáng kể so với tổng quy mô tín dụng phục vụ kinh doanh bất động sản cũng như năng lực tín dụng của doanh nghiệp địa ốc hiện nay.
Theo Bộ Tài chính, thời gian vừa qua, một số vụ việc vi phạm trong phát hành trái phiếu đã gây tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư, khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, những tin đồn thất thiệt trên thị trường tài chính và khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.
Từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật.