Doanh nghiệp ngành bất động sản tiếp tục hút dòng tiền trái phiếu
Bất chấp tác động của dịch bệnh, nguồn cung bất động sản và giá bán trên thị trường vẫn không ngừng tăng mạnh. Đây chính là động lực để thị trường phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.
Nhu cầu mua liên tục tăng, bất động sản vẫn hút dòng tiền
Theo số liệu từ Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm của khách hàng đã tăng tới 306%, sau Covid-19 lần 1, tăng 62% sau Covid-19 lần 2, tăng mạnh 378% sau đợt dịch thứ ba và sau đợt dịch lần 4, sức bật của thị trường là 105%.
Đáng chú ý, ngoại trừ quý III/2021 là giai đoạn giãn cách xã hội tại các thành phố lớn và nhiều tỉnh thành trên cả nước, các quý còn lại của năm, mức độ quan tâm đến bất động sản luôn cao hơn năm 2019.
Đặc biệt, đất nền loại hình thu hút mối quan tâm lớn nhất của người dùng khi chiếm tới 25% lượng tìm kiếm, kế đến là nhà riêng, chung cư với tỉ lệ lần lượt là 24% và 20%. Mối quan tâm với các loại hình khác dao động từ 6-19%.
Hà Nội đứng đầu về mối quan tâm của người mua nhà với tỷ lệ tìm kiếm lên tới 40%. Con số này ở TP.HCM là 29%, Bình Dương 4%, Đà Nẵng 3%, Đồng Nai 3%, Khánh Hòa 3%. Các tỉnh thành khác là 20%. Đến tháng 11/2021, mức độ quan chung cư tại Hà Nội và TP.HCM đã phục hồi gần bằng thời điểm tháng 5/2021, đạt 91% so với thời điểm tháng 5/2021.
Lý giải nguyên nhân nhu cầu mua bất động sản của người dân liên tục tăng, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, dòng tiền giá rẻ vẫn đang tiếp tục chảy vào thị trường do lãi suất tiền gửi đang ở mức rất thấp, trong khi nguy cơ lạm phát đang hiện hữu.
Người dân vẫn đang có xu hướng lựa chọn bất động sản là kênh trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay đang ở mức ưu đãi. Trong 12 tháng lãi suất cho vay mua nhà chỉ là 6,69%, giảm mạnh so với năm 2020 là 8,79%. Điều này cũng góp phần khuyến khích dòng tiền vào thị trường.
Thêm vào đó, lực cầu rất lớn trên thị trường hiện nay trong khi nguồn cung đang ở mức thấp là nguyên nhân khiến giá bất động sản không ngừng tăng cao.
Doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu
Theo thống kê lũy kế tháng 11 đầu năm 2021, lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, nhóm ngành bất động sản hút tới 187.160 tỷ đồng, chiếm 38% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, trong tháng 11/2021, tổng giá trị phát trái phiếu doanh nghiệp đạt 20.366 tỷ đồng.
Trong đó, có tổng cộng 40 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 18.276 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Công ty Cổ phần Vinhomes giá trị 2.090 tỷ đồng.
Về cơ cấu, doanh nghiệp bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành trong tháng. Tuy nhiên, có khoảng 59% trái phiếu bất động sản chỉ được đảm bảo bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Theo đó, lũy kế 11 tháng đầu năm 2021 có tổng cộng 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, bao gồm 803 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 468.850 tỷ đồng; 23 đợt phát hành ra công chúng trị giá 26.340 nghìn tỷ đồng.
Nhóm bất động sản dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỷ đồng, lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5-13%/năm. Nhóm ngân hàng đứng ở vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 169.600 tỷ đồng, có 71% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.
Đáng chú ý, trong 11 tháng đầu năm, thị trường còn có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1,425 tỷ USD. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD); trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD); trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD); trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD).
Tiếp tục hút vốn dịp cuối năm 2021
Mới đây, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt vừa thông qua quyết định huy động vốn qua kênh trái phiếu. Đây là đợt chào bán thứ 9 trong năm nay, tiếp nối chuỗi huy động liên tục từ năm 2020.
Cụ thể, Phát Đạt phát hành 1.500 trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng, tổng giá trị huy động 150 tỉ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo và được tự do chuyển nhượng. Kỳ hạn trái phiếu là 2 năm, lãi suất cố định 12%/năm. Tài sản đảm bảo tiếp tục là cổ phần PDR cùng các tài sản khác. Các lần phát hành trước, tài sản đảm bảo của Phát Đạt cũng được đảm bảo bằng cổ phiếu.
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cũng vừa thông qua Nghị quyết về việc huy động 1.500 tỉ trái phiếu. Việc này nằm trong Tờ trình tháng 7.2021 đã được thông qua. Công ty là một trong những đơn vị dẫn đầu về danh sách huy động trái phiếu từ đầu năm đến nay. Mới nhất, Novaland vừa huy động thêm 1.000 tỉ đồng trái phiếu. Trái phiếu là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn trái phiếu 2 năm, lãi suất cố định 10,5%/năm.
Theo báo cáo từ Hiệp hội thị trường trái phiếu, trong tháng 11/2021 có tổng cộng 40 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành 18.276 tỉ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của CTCP Vinhomes giá trị 2.090 tỉ đồng. Tổng giá trị phát hành trong tháng là 20.366 tỉ đồng.
Điều này cho thấy, kênh phát hành trái phiếu vẫn là một trong những kênh huy động vốn yêu thích của nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Ngày 3/12, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công điện số 8857 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Công điện nêu rõ, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới trên 436.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng hơn 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…
Song song đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Bộ Công an phải phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Trong ngày 3/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Ngày 5/12 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Tập đoàn VsetGroup (VsetGroup) 600 triệu đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp này thu hồi trái phiếu đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng tiền lãi.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán cũng đã xử phạt Apec Group và một công ty chứng khoán do có sai phạm trong việc phát hành hoặc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp sai quy định. Hiện các cơ quan chức năng đã và đang tăng cường kiểm tra tại nhiều doanh nghiệp và các công ty chứng khoán.