Phát Đạt, Apec Group và loạt đoanh nghiệp địa ốc công bố phát hành trái phiếu huy động vốn

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Tập đoàn Apec Group và Tập đoàn Đại Nam mới đây vừa công bố đợt huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Tập đoàn Apec Group và Tập đoàn Đại Nam mới đây vừa công bố đợt huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

Cụ thể, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) vừa thông qua quyết định phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần thứ 9, số tiền huy động dự kiến 150 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo và được tự do chuyển nhượng. Kỳ hạn trái phiếu là 2 năm, lãi suất cố định 12%/năm.

Mục đích nhằm tài trợ vốn cho công ty con để thực hiện dự án Trung tâm thương mại và Căn hộ cao cấp Bình Dương (Astral City) và dự án Hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu I (Khu Cổ Đại, Tp.HCM).

Tài sản đảm bảo tiếp tục là cổ phần PDR cùng các tài sản khác. Thời điểm chào bán dự kiến trong tháng 12/2021, số tiền huy động sẽ chi thực hiện dự án trong tháng 12 hoặc qua quý I/2022. Đây là đợt phát hành thứ 9 của doanh nghiệp trong năm nay, tiếp nối chuỗi huy động liên tục từ năm 2020.

Phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần thứ 9 của PDR.  
Phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần thứ 9 của PDR.  
Đợt huy động trái phiếu thành công gần nhất của PDR là ngày 8/12 với giá trị lô trái phiếu 300 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm và kỳ trả lãi 12 tháng/lần, tài sản đảm bảo là 6,4 triệu cổ phần PDR do Phát Đạt phát hành, mục đích phát hành trái nhằm tăng quy mô vốn hoạt động để tài trợ vốn cho các dự án bất động sản của Tổ chức phát hành và Công ty con.

Kết quả, một công ty chứng khoán đã mua lại toàn bộ số trái phiếu này. Đây đã là lần phát hành trái phiếu lần thứ 8 của doanh nghiệp này.

Ngày 29/11, Công ty Liên doanh TNHH Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC) đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu. CTCP Chứng khoán HDB (HDBS) là bên đứng ra thu xếp thương vụ này.

Đây là loại hình trái phiếu doanh nghiệp thông thường, không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không phải nợ thứ cấp của An Khánh JVC. Lô trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng với lãi suất phát hành thực tế 11%/năm.

Mục đích phát hành nhằm cơ cấu nợ và tăng quy mô vốn hoạt động của tổ chức phát hành. Bên mua là một tổ chức trong nước không được công bố danh tính.

Mới đây, CTCP Sovico cũng vừa huy động xong 1.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào 4/11/2024. Đây là loại trái phiếu thông thường, không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất được tính tối đa 10,5%/năm, cố định trong kỳ hoặc theo thỏa thuận với nhà đầu tư. Cứ 6 tháng công ty trả lãi một lần.

Thương vụ được thu xếp bởi HDBS và số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được Sovico sử dụng để tài trợ vốn cho các chương trình, dự án và tăng quy mô, cơ cấu lại nguồn vốn. Lô trái phiếu đã được nhà đầu tư tổ chức mua lại toàn bộ, tuy nhiên số lượng nhà đầu tư không được công bố cụ thể.

CTCP Tập đoàn Apec Group vừa phát hành thành công hơn 43,6 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 9/12/2026.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất được tính cố định 13%/năm và cứ ba tháng trả lãi một lần.

Một dự án của Apec Group tại Phú Yên.  
Một dự án của Apec Group tại Phú Yên.  
Số vốn huy động được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, bổ sung nguồn vốn cho công ty để thực hiện việc đấu giá, mở rộng quỹ đất trên thị trường. Dòng vốn này cũng sẽ được sử dụng để đầu tư, phát triển các dự án bất động sản tiềm năng, tăng cơ hội đầu tư và M&A với các công ty tiềm năng, có quỹ đất tốt; bổ sung nguồn vốn lưu động cho công ty.

Trái chủ là một tổ chức trong nước và 4 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương là đơn vị sắp xếp cho thương vụ này.

Tương tự, CTCP Đại Nam cũng vừa phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu vào cuối tháng 11 cho một tổ chức tín dụng trong nước. Trái phiếu của Đại Nam có kỳ hạn 5 năm, hình thức không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại khu nhà ở Đại Nam, phường Tân Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Lãi suất trái phiếu là 10%/năm cho kỳ điều chỉnh lãi suất đầu tiên. Các kỳ tiếp theo bằng tổng của 3,5%/năm, cộng lãi suất tham chiếu của kỳ điều chỉnh lãi suất đó nhưng không thấp hơn 10%/năm. Số tiền thu được nhằm đầu tư nhà xưởng cho thuê thuộc khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3 ở TP Thủ Dầu Một.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành TPDN 

Theo báo cáo từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 11/2021, Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về tổng giá trị phát hành với 8,476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng và trong đó có khoảng 59% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.

Luỹ kế 11 tháng, nhóm bất động sản hiện đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.16 nghìn tỷ đồng, chiếm 38%. Đáng chú ý, có khoảng 30% giá trị trái phiếu bất động sản phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu (tỷ lệ này đang có xu hướng tăng lên). Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5-13%/năm.

Liên quan đến việc phát hành TPDN, đầu tháng 12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát về phát hành TPDN để đảm bảo thị trường này trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Tỷ lệ phát hành TPDN theo nhóm ngành tháng 11/2021. Nguồn: VBMA.      
Tỷ lệ phát hành TPDN theo nhóm ngành tháng 11/2021. Nguồn: VBMA.      
Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt do vi phạm trong phát hành trái phiếu.  Cụ thể, Apec Group đã bị phạt 600 triệu đồng do chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Đồng thời, doanh nghiệp phải thu hồi trái phiếu đã chào bán và trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup cũng bị phạt hành chính 600 triệu đồng do chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng cho nhà đầu tư không xác định, nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN theo quy định.

Còn Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) bị phạt 250 triệu đồng do thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được cấp phép. Trong năm nay, công ty này đã cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa được Ủy ban chứng khoán cấp phép.

Hải Lan

Theo Sở hữu trí tuệ