Doanh nghiệp xây dựng đang “chới với” khi thị trường ngày càng thu hẹp dần
Việc siết tín dụng không chỉ khiến các ông chủ dự án mà các doanh nghiệp xây dựng cũng đang “chới với” khi nỗi lo thiếu nguồn cung và thị trường dần thu hẹp.
Thời gian gần đây, không chỉ chịu áp lực từ giá xăng dầu tăng, giá vận tải, logistics tăng cao khiến giá nguyên vật liệu đầu vào như sắt thép, cát, đá xây dựng… đồng loạt tăng theo làm cho các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng khó chồng khó.
Chưa dừng lại ở đó, việc ngân hàng siết tín dụng đối với bất động sản đã và đang ảnh hưởng không chỉ đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người mua nhà ở mà còn khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng “đứng ngồi không yên”. Khi van tín dụng bị thắt chặt, không ít doanh nghiệp lo lắng bởi nó sẽ kéo theo các doanh nghiệp khác, tác động của nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành nghề, lĩnh vực của mình.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xây dựng cho biết, 2022 sẽ là một năm khó khăn với ngành này khi chi phí xây dựng, nguyên vật liệu đều tăng cao. Việc siết tín dụng khiến nguồn cung dự án bất động sản bị co lại và cơ hội tìm kiếm dự án càng khó hơn. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với việc ngân hàng siết dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản nhưng siết như thế nào, với các doanh nghiệp và dự án nào thì cần làm rõ.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Savills Việt Nam, hiện nay thị trường bất động sản đang chịu tác động bởi loạt yếu tố như áp lực tăng chi phí đầu vào, nguồn vốn (gồm cả tín dụng, trái phiếu) bị siết chặt. Những yếu tố này có thể khiến thị trường bất động sản trong ngắn hạn sẽ hoạt động chậm lại. Việc siết chặt tín dụng bất động sản có thể khiến thị trường gặp khó khăn trong một khoảng thời gian nhất định và ảnh hưởng đến tính thanh khoản của tài sản.
Cũng theo ông Khương, việc cùng lúc siết chặt các nguồn vốn đổ vào bất động sản nên được cân nhắc bởi điều này không chỉ tác động tới các chủ đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nhà đầu tư, người mua bất động sản với mục đích không phải đầu cơ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu cho biết, việc ngân hàng siết tín dụng không chỉ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản mà còn ảnh hưởng cả ngành xây dựng. Không những vậy, nó còn tác động đến các ngành khác như sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, công nghiệp…
Theo ông Hiệp, bất động sản là ngành chiếm tới 14% GDP và tác động đến khoảng 40 lĩnh vực khác. Nếu phản ánh "thái quá" với thị trường này thì đương nhiên sẽ tác động đến các ngành nghề, lĩnh vực khác. Ngay bất động sản nghỉ dưỡng cũng liên quan đến du lịch hoặc bất động sản công nghiệp thì liên quan tới đầu vào sản xuất cho nhiều ngành khác.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu cho biết, nếu ngân hàng siết tín dụng thì theo hướng có chọn lọc, những dự án có hiệu quả thì vẫn phải làm chứ không thể dừng hay phản ứng cực đoan. Tuy nhiên cũng phải tập trung siết những dự án không hiệu quả, khó có khả năng trả nợ. Cơ quan quản lý Nhà nước cảnh báo là cần thiết nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những hướng dẫn cụ thể để thị trường phát triển lành mạnh hơn. Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu, 15-20% vốn tín dụng vào bất động sản trên tổng dư nợ vẫn là con số an toàn. Với những dự án hiệu quả, doanh nghiệp uy tín vẫn nên cho làm.
Còn theo lãnh đạo CTCP Xây dựng Coteccons, việc siết tín dụng cũng là một trong những trở ngại, thách thức lớn năm nay của doanh nghiệp. Sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường bất động sản Việt Nam đang được thúc đẩy để phục hồi. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý và chính sách thắt chặt cho vay bất động sản có thể sẽ khiến nhiều dự án gặp khó khăn hoặc bế tắc. Sự cạnh tranh trong ngành xây dựng tại thị trường Việt Nam ngày càng khắc nghiệt và có nguy cơ thiếu kiểm soát, nhất là cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, những xung đột địa chính trị trên thế giới tác động trực tiếp đến nguồn cung nguyên - vật liệu khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó.
Liên quan đến việc ngân hàng siết tín dụng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng sốt đất vừa qua phần lớn do nguồn vốn nhàn rỗi của người dân khi trải qua đợt dịch khó khăn, làm ăn không hiệu quả. Vì vậy, giải pháp siết tín dụng ngân hàng vào bất động sản nếu không cẩn trọng, không những không chặn được sốt giá bất động sản mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người mua ở thật, chứ không phải là đầu cơ, đầu tư. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung bất động sản diễn ra cùng lúc với việc thắt lại nhiều nguồn vốn khiến nhiều ngành nghề có liên quan khác, trong đó có ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, du lịch... sẽ gặp khó trong thời gian tới.