Doanh nghiệp xây dựng ‘mơ lớn’ năm 2025

Vượt qua những khó khăn của năm 2024 để đạt thành tích tăng trưởng như một quãng chạy đà, nhiều doanh nghiệp xây dựng top đầu đã cho thấy kỳ vọng lớn lao vào năm 2025 khi đặt ra những kế hoạch kinh doanh “khủng”.

Doanh nghiệp xây dựng “mơ” kỷ lục

Nếu phải chọn cái tên gây ấn tượng nhất mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của ngành xây dựng thì đó ắt hẳn phải là Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG). Mặc dù đã đạt được bước nhảy lớn về kinh doanh trong năm 2024 khi ghi nhận tổng doanh thu 3.807 tỷ đồng, lãi sau thuế 198 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,4 lần và 9,4 lần so với năm trước, hoàn thành lần lượt 62% và 198% kế hoạch năm, nhưng nếu so với kế hoạch năm 2025, kết quả đó vẫn chưa là gì. Cụ thể, năm 2025, SCG đặt mục tiêu tổng doanh thu 12.000 tỷ đồng, lãi trước thuế 700 tỷ đồng, lần lượt tăng 4 lần và tăng 3 lần so với mức thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành được, đây sẽ là cú “đại nhảy vọt” của SCG và đưa doanh nghiệp này lên ngang hàng với những đơn vị lớn nhất thị trường xây dựng Việt Nam hiện nay (Coteccons, Newtecons, Vinaconex, CC1…)

Bất chấp những hoài nghi về kế hoạch đầy tham vọng này, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức hôm 13/4, ông Bùi Văn Tư, Tổng giám đốc SCG, gọi mục tiêu doanh thu 12.000 tỷ đồng là “một sự khiêm tốn”. Theo ông, SCG đã ký nhiều hợp đồng thi công dự án với tổng giá trị 40.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2025 – 2026, nhiều dự án trong đó đã hoàn thiện về pháp lý. Vì vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu 12.000 tỷ đồng là trong tầm tay. Các dự án được ông Tư nhắc tới hầu hết đều là của Sunshine Group – tập đoàn mẹ của SCG, như: Noble Palace Tây Hồ, Noble Palace Tây Thăng Long, Noble Palace Long Biên (nằm tại Hà Nội), Sunshine Sky City (nằm tại TP. HCM). Dự kiến, SCG sẽ bàn giao khoảng 2.200 căn thấp tầng và 3 tháp cao tầng thuộc các dự án trên trong năm 2025.

Doanh nghiệp xây dựng ‘mơ lớn’ năm 2025 - Ảnh 1

Bên cạnh SCG, một loạt doanh nghiệp xây dựng lớn khác cũng đặt mục tiêu kinh doanh ở mức kỷ lục trong năm 2025. Tiêu biểu là FECON (HoSE: FCN), doanh nghiệp này kỳ vọng năm 2025 đạt được doanh thu 5.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 200 tỷ đồng, sau khi đã có màn “lội ngược dòng” ngoạn mục trong năm 2024 với doanh thu 3.375 tỷ đồng và lãi sau thuế 30 tỷ đồng. Nghĩa là nếu so với mức thực hiện năm 2024, kế hoạch năm 2025 của FECON tăng 48% về doanh thu và tăng tới 565% về lãi sau thuế. Đây chẳng những là mức tăng “điên rồ” mà còn là những kỷ lục mới của doanh nghiệp, với doanh thu cao nhất mọi thời đại và lãi sau thuế lập đỉnh trong 6 năm.

Nhưng điều khiến FECON khác biệt với SCG là nguồn thu của doanh nghiệp này không chỉ tới từ xây dựng. Trên thực tế, FECON còn là chủ của một số khu công nghiệp, khu đô thị mà trong đó, cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu cuối 2025 còn khu đô thị Nam Thái sẽ bán hàng trong cùng năm này.

Đây cũng là điều tương tự ở Vinaconex (HoSE: VCG). Tổng công ty hàng đầu của ngành Xây dựng cũ này mong muốn đạt được doanh thu 15.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 8% so với năm trước. Nếu hoàn thành, đây sẽ là kỷ lục doanh thu của Vinaconex trong 15 năm qua. Trong năm 2024 trước đó, doanh nghiệp này đã gặt hái 13.176 tỷ đồng doanh thu và 1.108 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 2% và 3% so với năm trước, hoàn thành 88% và vượt 17% kế hoạch năm. Nguồn thu của Vinaconex cũng có sự bổ sung từ các dự án bất động sản như Cát Bà – Amatina, Vinaconex Diamond Tower.

Với Cienco4 (UPCoM: C4G), doanh nghiệp này “mơ” tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 200 tỷ đồng trong năm 2025, lần lượt tăng 19% và 12% so với thực hiện năm trước. Nếu hoàn thành, đây sẽ là doanh thu cao nhất trong 8 năm và mức lãi cao kỷ lục từ trước đến nay. Trước đó, năm 2024, Cienco4 ghi nhận 3.359 tỷ doanh thu và 179 tỷ lãi sau thuế, hoàn thành 74% và 71% kế hoạch năm.

Tổng công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1) dù không đặt ra mục tiêu kỷ lục trong năm 2025, nhưng con số đề ra cũng rất ấn tượng: doanh thu 12.889 tỷ đồng, lãi trước thuế 371 tỷ đồng, cùng tăng 27% so với mức thực hiện năm 2024. Năm 2024, CC1 ghi nhận doanh thu 10.160 tỷ đồng, tăng 81%, đánh dấu năm đầu tiên có doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 229 tỷ đồng, tăng 4%, lần lượt hoàn thành 88% và 49% kế hoạch năm.

Ngoài các đơn vị trên, mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay cũng ghi dấu sự tự tin của nhiều doanh nghiệp xây dựng khác, dù mục tiêu không quá nổi bật. Chẳng hạn như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC) kỳ vọng doanh thu 9.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước; Becamex IDC (HoSE: IDC) với kế hoạch doanh thu 2.086 tỷ đồng, lãi sau thuế 429 tỷ đồng, lần lượt tăng 78% và 21% hay Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) với mục tiêu doanh thu 2.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 66% và 714% so với năm trước…

Băng đã tan?

Sự hào hứng của các doanh nghiệp xây dựng trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 cho thấy thị trường xây lắp đang khởi sắc trở lại sau những năm dài khó khăn. Trên thực tế, kết quả kinh doanh của các đơn vị cũng đã tốt lên rất nhiều trong năm 2024 nhờ các yếu tố hỗ trợ: sự phục hồi của thị trường bất động sản, đầu tư công được đẩy mạnh và chính sách tiền tệ mở rộng. Backlog của nhiều đơn vị vẫn còn rất dày, như SCG là 40.000 tỷ đồng, CC1 là hơn 10.000 tỷ đồng… tạo nền tảng cho những tham vọng trong năm 2025.

Dù vậy, khó khăn vẫn chưa qua đi. Người Trung Quốc có câu “băng dày ba thước đâu phải do lạnh một ngày”, muốn tan băng ba thước, bởi vậy, cũng không thể là chuyện của một sớm một chiều. Thực tế cho thấy ngành xây dựng ít nhiều vẫn đang vật lộn với tình trạng thiếu đơn hàng và áp lực cạnh tranh gay gắt khi “cuộc đua xuống đáy” về giá vẫn chưa dừng lại. Trong khi đó, sự gia tăng “không biết mệt” của giá nguyên vật liệu và giá nhân công đã cản trở sự tăng trưởng của lợi nhuận. Đó là chưa kể khó khăn về dòng tiền vẫn thường trực khi nhiều chủ đầu tư dự án vẫn trong tình trạng chậm thanh toán khiến nhà thầu chịu áp lực trích lập dự phòng lớn và tiếp tục lệ thuộc nặng nề vào vốn vay.

Vì thế, những kế hoạch có thể rất đẹp mắt, nhưng ở thời điểm hiện tại, cũng chỉ là để thỏa mãn sự hứng khởi của chính lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông. Ngoài ra, với “nền” đã được đắp lên tương đối cao trong năm 2024, có thể thấy việc đạt được tăng trưởng hai chữ số, hay những cú “đại nhảy vọt” là không dễ dàng, chưa nói đến rủi ro “quay xe” của thị trường vì những biến cố bất ngờ.

Nhưng nếu gạt đi những lo toan ấy, điều đọng lại của mùa đại hội đồng cổ đồng thường niên ngành xây dựng năm nay là niềm vui khi những tiếng “kêu cứu” đã vắng dần. Doanh nghiệp đã có thể hào hứng nói về những triển vọng, những cơ hội, những khoản lãi và trán của vài vị doanh nhân đã có thể bớt nhăn, dù mới chỉ qua 1 – 2 năm, tóc của họ đã bạc đi khá nhiều.

 

Ái Châu Tử

Theo Vietnamfinance