Đối mặt nhiều rủi ro, Nhơn Trạch 2 hoãn trả hàng trăm tỷ cổ tức
Lãi khiêm tốn, tiến độ hoạt động kém khả quan, Nhơn Trạch 2 điều chỉnh thời gian chi trả cổ tức còn lại năm 2023 từ quý IV/2024 sang quý I/2025.
Nhơn Trạch 2 hoãn trả cổ tức
Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2) vừa công bố quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện chi trả cổ tức còn lại của năm 2023 bằng tiền từ quý IV/2024 sang quý I/2025.
Được biết, kế hoạch cổ tức năm 2023 được ĐHĐCĐ NT2 thông qua ở mức 15%/mệnh giá. Trong đó, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức lần 1 bằng tiền với tỷ lệ 7% từ ngày 29/3/2024, tương đương số tiền đã chi là hơn 200 tỷ đồng. Phần cổ tức còn lại mà NT2 phải tiếp tục phân phối cho cổ đông là hơn 270 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo NT2, việc điều chỉnh thời gian thực hiện chi trả cổ tức còn lại của năm 2023 để rà soát lại tình hình hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm đảm bảo tối ưu hóa nguồn tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến cuối quý III/2024, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của NT2 ghi nhận tại báo cáo tài chính là hơn 3 tỷ đồng. Quỹ tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp hiện đang tập trung phần lớn ở các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (hơn 2.576 tỷ đồng). Đây là khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng, dưới 1 năm tại các ngân hàng thương mại, hưởng mức lãi suất 4,2 – 5,1%.
Việc hoãn thời gian trả cổ tức diễn ra trong bối cảnh NT2 vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 với khoản lợi nhuận khiêm tốn, đạt hơn 44 tỷ đồng. Trước đó trong quý I, doanh nghiệp đã lỗ sau thuế hơn 158 tỷ đồng.
Nhờ vào khoản lãi 122 trong quý II, NT2 mới đạt được lợi nhuận luỹ kế dương 8,3 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024. Tuy nhiên, mức lợi nhuận lại quá khiêm tốn, chỉ bằng 12% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.
Khó khăn bủa vây
Sự khó khăn của NT2 trong năm 2024 đã được ban lãnh đạo dự báo ngay từ khi xây dựng kế hoạch hoạt động cho kỳ kế toán mới, khi mà mức lợi nhuận mục tiêu chỉ vỏn vẹn 68 tỷ đồng, thấp hơn 85% so với mức thực hiện năm 2023.
Một số rủi ro mà ban lãnh đạo NT2 đã tính đến khi xây dựng kế hoạch là tình hình huy động sản lượng điện của nhà máy điện NT2 rất thấp (2.326 triệu kWh), giá khí đầu vào tăng cao, cơ cấu nguồn điện năng lượng tái tạo lớn dẫn đến phương thức huy động của A0 bất lợi cho các nhà máy điện truyền thống, rủi ro EVN chậm thanh toán,…
Trên thực tế, việc ban lãnh đạo kỳ vọng NT2 có thể đem về 68 tỷ đồng lợi nhuận cho năm 2024 vẫn khá lạc quan, khi mà một số tổ chức phân tích cho rằng doanh nghiệp này nhiều khả năng phải đối mặt với thua lỗ trong năm 2024.
Theo dự báo mới nhất của Công ty Chứng khoán DSC, các chuyên gia của đơn vị này cho rằng tiến độ của NT2 vẫn kém khả quan khi đã qua giai đoạn cao điểm phát điện, trong khi vẫn còn cách xa chỉ tiêu hoạt động của năm.
Không chỉ NT2, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh khí và nhiệt điện khí đều đang đứng trước rủi ro thiếu nguồn cung khí trong giai đoạn 2024 - 2025 do các bể khí trong nước đang dần cạn kiệt trữ lượng, đặc biệt là mỏ Nam Côn Sơn có khả năng dừng khai thác, trong khi đó, các mỏ khí mới vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chỉ có thể ghi nhận dòng khí đầu tiên kể từ 2026.
Theo DSC, do thiếu nguồn cung khí nội địa, NT2 sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn nhập khẩu, đặc biệt là LNG nhập khẩu, trong khi thị trường này vẫn còn non trẻ tại Việt Nam, đồng nghĩa sẽ chưa có nhiều chính sách hỗ trợ giá. Điều này sẽ dẫn tới những bất lợi về mặt giá vốn đối với các doanh nghiệp nhiệt điện khí nói chung và NT2 nói riêng.
Hai dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 cũng đem lại những rủi ro nhất định cho NT2. Theo đó, 2 dự án này được thực hiện bởi PV Power (công ty mẹ của NT2) dự kiến sẽ vận hành thương mại vào cuối năm nay.
Tính đến ngày 5/9, tiến độ tổng thể gói thầu EPC của dự án ước đạt 96,9% so với kế hoạch và dự kiến đánh lửa vào cuối tháng 10. DSC cho rằng nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ gây bất lợi cho NT2 do sử dụng công nghệ mới hơn, thải ít khí CO2 hơn, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với NT2 tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch - Đồng Nai nói riêng và miền Nam nói chung.
Ngoài ra, DSC còn đề cập tới rủi ro dòng tiền đối với NT2, đến từ phía EVN. Theo đó, tại thời điểm cuối quý III/2024, khoản phải thu ngắn hạn của NT2 tăng 10% so với quý trước lên mức 3.264 tỷ đồng, do EVN chưa thực hiện được các nghĩa vụ thanh toán tiền điện đối với NT2.
Khoản này vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tài sản của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng tới dòng tiền hoạt động kinh doanh. DSC cho rằng khoản này sẽ có tiến triển rõ rệt hơn trong quý IV/2024 khi EVN đã tiến hành tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 4,8% so với mức giá hiện hành trước đó vào ngày 11/10. Tình hình tài chính của EVN được cải thiện sẽ là tiền đề giúp củng cố nguồn vốn hoạt động kinh doanh của NT2 cũng như cải thiện chính sách chi trả cổ tức.