Đổi tiền lẻ ngày cận Tết, coi chừng dính cú lừa

Dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng hiện nay khá nhộn nhịp, bất chấp quy định của Nhà nước. Nhiều lời mời chào đổi tiền mới trên mạng rất hấp dẫn nhưng người dân cần hết sức cảnh giác, bởi nếu không sẽ dễ bị lừa.

Dịch vụ đổi tiền lẻ nhộn nhịp trên mạng bất chấp quy định

Việc đổi tiền lẻ ăn chênh lệch là hoạt động bị cấm. Nhưng thực tế, nhiều cá nhân vẫn lén giao dịch đổi tiền lẻ ăn chênh lệch, kiếm bộn dịp Tết.

Không chỉ tại các điểm đổi tiền lẻ cố định, những năm gần đây, hoạt động đổi tiền lẻ dịp Tết lại trở nên sôi động. Chỉ cần gõ cụm từ "đổi tiền lẻ", "đổi tiền mới", “đổi tiền lì xì” lên thanh tìm kiếm của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,... người dùng sẽ nhận về hàng nghìn bài viết công khai về dịch vụ đổi tiền.

Theo quảng cáo của giới "buôn tiền", khách hàng muốn đổi bao nhiêu, loại gì cũng có; đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc; phí đổi thấp, cam kết tiền thật... "Thượng đế" chỉ cần ngồi ở nhà, bấm điện thoại là nhân viên sẽ đến tận nơi đổi trả.

Những mệnh giá tiền phổ biến được trao đổi là tiền 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng,...Mức phí đổi tiền lẻ, tiền mới khá cao. Phí đổi tiền dao động từ 10-15% và có sự chênh lệch giữa các loại tiền có mệnh giá khác nhau.

Tiền mệnh giá càng nhỏ phí đổi càng đắt. Trong đó, phí đổi tiền mệnh giá từ 50.000-500.000 đồng dao động từ 10-12%; tiền mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, phí đổi lên từ 10-15%. Đối với khách hàng có nhu cầu đổi tiền số lượng lớn, mức phí này theo quảng cáo sẽ được chiết khấu phải chăng.

Đáng chú ý, với những tờ tiền có số seri đẹp như năm sinh hay mang các yếu tố tâm linh, mức phí rất cao, có nơi còn lên tới 30-35%.

Ngoài đổi tiền mới, tiền lẻ, "chợ mạng" còn rao bán các đồng tiền hiếm là ngoại tệ của các nước. Giá của những đồng tiền này gấp nhiều lần mệnh giá thực tế.

Chẳng hạn, tờ tiền mệnh giá 2 USD in hình con mèo, biểu tượng của năm Quý Mão 2023 đầy đủ chứng nhận của Mỹ, bao da, phong bao lì xì có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, tùy vào hoạ tiết 2D hay 3D. Đối với những tờ tiền có số seri đẹp, giá có thể lên tới hàng triệu đồng.

Đủ chiêu lừa đảo đổi tiền dịp Tết

Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá dưới 10.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch.

Đổi tiền lẻ ngày cận Tết, coi chừng dính cú lừa - Ảnh 1

Năm nay, NHNN vẫn không in tiền mới có mệnh giá nhỏ, đồng thời hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, đặc biệt là tiền mệnh giá từ 10.000-50.000 đồng.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước - cho hay, việc hạn chế in tiền lẻ mới phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng.

Theo Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của NHNN, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: NHNN, chi nhánh NHNN, Sở Giao dịch NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thực hiện thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.

"Đây là hành vi không được cho phép, vi phạm quy định pháp luật, quy định của Ngân hàng Nhà nước, do đó cần phải có sự thông tin kịp thời, sự phối hợp của các cơ quan chức năng để xử lý hành vi này", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết.

Không chỉ vi phạm pháp luật, việc đổi tiền lẻ, tiền mới qua mạng có thu phí này cũng đem đến nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Bởi đặc điểm của hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới thường giao dịch qua mạng.

Người bán yêu cầu khách hàng chuyển khoản toàn bộ số tiền cần đổi cùng phí chênh lệch sau đó mới giao tiền theo yêu cầu. Sau khi nhận được tiền, nhiều đối tượng lập tức chặn mọi kênh liên lạc và không ship (vận chuyển) tiền lẻ cho khách như đã thoả thuận. 

Có không ít người khi nhận về, cọc tiền bị rút ruột, lẫn tiền cũ, nát. Khách hàng cũng có thể bị sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, thậm chí là tiền giả.

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội đang ngày càng diễn ra với tần suất dày, khá phổ biến, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Người dân dù được khuyến cáo, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền khá lớn.

Do đó, người dân cần cảnh giác khi thấy những lời quảng cáo hấp dẫn khi giao dịch tiền mới, tiền lẻ; đặc biệt cẩn thận trong quá trình chuyển khoản, giao dịch.

Mạnh Hưng

Theo VietnamFinance