Nguồn cung sụt giảm, thị trường bất động sản “ảm đạm” dịp cận Tết

Việc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản dời lịch mở bán các dự án sang năm 2023 đã kéo nguồn cung thị trường bất động sản những ngày cuối năm 2022 sụt giảm đáng kể. Những năm trước, thời điểm cận Tết là thời điểm hoạt động mua bán bất động sản diễn ra cực kỳ sôi động nhưng năm nay lại rất khác.

Chủ đầu tư đồng loạt lùi lịch mở bán dự án sang năm 2023

Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đang chào bán sản phẩm ra thị trường, tuy nhiên chủ yếu là từ các dự án hiện hữu.

Lấy đơn cử như Phú Mỹ Hưng đã mở bán 150 căn hộ tại dự án Horizon với mức giá dao động trên dưới 140 triệu đồng/m2; tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh công bố hơn 800 căn hộ thuộc dự án Moolight Avenue tại TP.Thủ Đức với giá dự kiến từ 80 triệu đồng/m2; hoặc Khang Điền cũng ra mắt dự án Privia (Bình Tân) với giá từ 70 triệu đồng/m2…

Hay như Phú Đông Group vẫn đang bán những sản phẩm cuối thuộc dự án Phú Đông Sky Garden với tầm giá 40 triệu đồng/m2.

Tại khu Nam TP Hồ Chí Minh, Công ty Phú Long hiện đang mở bán giai đoạn 2 dự án căn hộ thành phần Essensia Sky thuộc KĐT Dragon City, hay dòng căn hộ cao cấp ven sông Flora Panorama vẫn đang được bung hàng cận Tết.

Một “ông lớn” khác là Nam Long hiện cũng đang chào bán hai dự án Akari City (Q.Bình Tân) và Mizuki Park (H.Bình Chánh). Cả hai dự án này đều là dự án hiện hữu, mở bán giai đoạn tiếp theo với số lượng sản phẩm cũng hạn chế.

Đồng thời, chủ đầu tư này hiện cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng chung cư Ehome Southgate và khu biệt thự biệt lập Park Village thuộc KĐT Waterpoint (H. Bến Lức, tỉnh Long An) với 96 căn villa hạng sang, mức giá bán từ 16,8 tỷ đồng/căn.

Trước đó, Nam Long cũng công bố tạm dừng kế hoạch mở bán hai dự án ở Đồng Nai và một dự án ở Cần Thơ. Cụ thể, tại Đồng Nai, giai đoạn 2 của hai KĐT Izumi City và Paragon Đại Phước dự kiến sẽ mở bán vào quý 1/2023 thay vì quý 4/2022 như dự định trước đó. Còn dự án khu dân cư tại Cần Thơ của Nam Long cũng lùi lịch trình mở bán sang thời điểm sau Tết Nguyên đán 2023.

Tập đoàn Đất Xanh cũng cho biết tạm dời kế hoạch triển khai một số dự án của tập đoàn trong quý 3 và quý 4/2022 sang năm 2023. Cụ thể, căn hộ Lux Star tại TP.HCM và hai dự án Opal Cityview, DXH Parkview tại Bình Dương đều dời lịch mở bán sang quý 1/2023…

Tại TP.Thủ Đức, Vạn Phúc Group ban đầu dự tính mở bán loạt căn hộ cao cấp đầu tiên trong tháng 12/2022, mức giá dự kiến khoảng 100 triệu đồng/m2, sau đó phải dời kế hoạch sang quý 2/2023 do thị trường không thuận lợi.

Nguồn cung vẫn sẽ tiếp tục sụt giảm

Trong báo cáo Chiến lược Đầu tư 2023 mới công bố, Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, theo kế hoạch mở bán mới của một số chủ đầu tư, nhiều dự án mới có thể bị trì hoãn mở bán trong năm 2023, trong bối cảnh quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi và tâm lý người mua nhà suy yếu do hạn mức tín dụng hạn chế, lạm phát chi phí đẩy và lãi suất tăng mạnh.

Vì thế, VNDirect dự báo nguồn cung mới căn hộ tại TP.HCM 2023 vẫn ở mức thấp với khoảng 19.000 - 20.000 căn (giảm 10% so với cùng kỳ) và khoảng 15.000 căn hộ tiêu thụ (giảm 20% so với cùng kỳ). Trong khi nguồn cung mới nhà ở xây sẵn tiếp tục ảm đạm ở cả TP.HCM và Hà Nội, ở mức 1.000 - 2.000 căn mở bán vào năm 2023.

Cũng theo nhóm chuyên gia VNDirect dự báo, giá căn hộ sơ cấp trung bình sẽ giảm 5 - 10% so với cùng kỳ và lượng căn hộ tiêu thụ giảm khoảng 20% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Nguồn cung sụt giảm, thị trường bất động sản “ảm đạm” dịp cận Tết - Ảnh 1
Nguồn cung được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2023.

Đặc biệt, theo VNDirect, Luật Đất đai sửa đổi 2023 sẽ được ban hành như kế hoạch vào nửa cuối 2024, sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, từ đó giúp nguồn cung nhà ở phục hồi từ 2024-2025.

Thanh khoản “ảm đạm” dịp cuối năm

Theo thống kê mà ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của batdongsan.com.vn, công bố trong quý I và quý II/2022 TP.HCM có gần 14.000 căn hộ mới chào bán, tỷ lệ tiêu thụ luôn đạt con số 70 - 80% thì bước sang quý 3/2022, chỉ có khoảng 1.250 căn, tỷ lệ tiêu thụ chưa đến 52%. Đến quý 4, toàn thị trường có 450 căn hộ sơ cấp mở bán nhưng lượng tiêu thụ mới đạt gần 25%, tương đương khoảng 100 căn.

Đây là tình trạng chưa từng xuất hiện trong 5 năm trở lại đây, nhất là vào giai đoạn cận tết, thời gian đỉnh điểm giao dịch bất động sản sôi động nhất trong năm. Chưa kể để kích cầu, nhiều doanh nghiệp đã nâng mức chiết khấu đến 40 - 50% giá trị bất động sản. Trên thị trường thứ cấp cũng xuất hiện nhiều giao dịch cắt lỗ, giảm giá mạnh đến từ nhóm những người, những tổ chức sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, phải thanh lý bớt BĐS để cơ cấu dòng vốn, giảm áp lực do lãi suất cho vay leo thang.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng cộng với khoảng 200.000 tỷ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế. Nhưng đến nay chỉ còn gần chục ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng vì các chuẩn tín dụng hiện nay rất khó để người có nhu cầu vay đáp ứng.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển