Đón lợi thế từ Vành đai 4, các quận, huyện Hà Nội gia tăng hoạt động đấu giá đất
Từ đầu năm 2024, mức thu từ đấu giá đất của các huyện ngoại thành Hà Nội tăng mạnh. Nhờ hưởng lợi từ hạ tầng, trong đó, khu vực có đường vành đai 4 chạy qua được hưởng lợi nhiều nhất. Ghi nhận, giá trúng đấu giá đã bỏ xa giá khởi điểm, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, từ đó góp phần gia tăng ngân sách cho nhà nước cũng có chuyển biến tích cực.
Nhiều quận, huyện ngoại thành Hà Nội liên tục tổ chức đấu giá
Do thị trường bất động sản thời gian qua có dấu hiệu sôi động trở lại nên nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đẩy nhanh việc tổ chức đấu giá đất. Mới đây nhất, UBND huyện Mê Linh đã tổ chức đấu giá 54 thửa đất, trong đó có lô trúng giá đấu cao lên tới 70,8 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá cả phiên là 186,5 tỷ đồng, chênh 52,4 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Kể từ đầu năm 2024, Huyện Mê Linh đã tổ chức thành công 8 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu ngân sách 780 tỷ đồng.
Trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đối với 6 thửa đất ở tại khu Gạc Chợ (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Tổng diện tích của 6 thửa đất ở được đưa ra đấu giá là 718,3m2. Trong số này, 2 thửa có mức giá đấu khởi điểm từ 66,7 triệu đồng/m2 và 4 thửa có mức giá đấu khởi điểm là 75,4 triệu đồng/m2.
Thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho thấy, tổng diện tích đã thực hiện đấu giá thành công từ đầu năm 2024 trên địa bàn huyện Phúc Thọ là 19.549,17m2, tổng số tiền trúng đấu giá trong 9 phiên vừa qua là 379,384 tỷ đồng.
Tại huyện Hoài Đức, cuối tháng 5, đã tổ chức đấu 34 thửa đất thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khu Mả Trâu, thôn Đồng Nhân, xã Đông La. Đơn giá khởi điểm từ 57 - 62 triệu đồng/m2. Tại huyện Chương Mỹ, 51 thửa đất của 7 dự án ở các thị trấn, thị xã Chúc Sơn, Văn Võ, Thượng Vực, Hữu Văn, Nam Phương Tiến sẽ được đấu giá với mức khởi điểm từ 5,6 đến 44,2 triệu đồng một m2. Các thửa đất có diện tích từ 77,9 đến hơn 200 m2. Mức giá khởi điểm được các quận huyện xác định đều mức cao.
Tăng thu ngân sách từ nhà, đất
Chuyên gia nhận định, đất đấu giá là một nguồn thu rất quan trọng cho ngân sách. Do đó ngay từ đầu năm, các quận, huyện trên địa bàn TP.Hà Nội bắt tay vào triển khai xây dựng, tổ chức đấu giá đất. Nhiều khu đất đẹp đã được lựa chọn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá. Các địa phương cũng rất chú trọng đến việc dành quỹ đất để xây dựng trường học, công viên cây xanh, tạo sức hút cho người mua đất. Đây cũng là nguyên nhân khiến đất đấu giá tăng giá mạnh so với năm 2022-2023.
Việc đấu giá đất sẽ giải quyết vấn đề về đất ở cho nhân dân, tạo sự công bằng, minh bạch trong việc giao đất; tạo nguồn lực quan trọng để thành phố đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách 5 tháng đầu năm của cả nước 898.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thu nội địa gần 756.000 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2023. Riêng khoản thu từ nhà, đất đạt 90.600 tỷ đồng, tăng tới 78,2% so với cùng kỳ năm trước.
Số thu nhà đất tăng do địa phương tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm nay. Một số địa phương phát sinh thu tiền thuê đất một lần của dự án.
Trong gần 10 năm trở lại đây, số thu từ nhà đất liên tục tăng cao. Năm 2013, số thu từ nhà đất là gần 63.700 tỷ đồng, năm 2022, số thu này tăng khoảng 4 lần. Năm 2023, do thị trường bất động sản trầm lắng nên thu ngân sách từ nhà đất giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, nguồn thu từ nhà đất là nguồn thu không bền vững.
Ngoài ra, tiền thu từ nhà, đất tăng mạnh so với cùng kỳ bởi 5 tháng đầu năm 2023 thực hiện chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 12, làm giảm số tiền thu khoảng 38.000 tỷ đồng.
Thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, song có những tín hiệu khởi sắc. Nhiều chủ đầu tư rục rịch quay trở lại thị trường qua động thái khởi công và mở bán dự án mới. Tuy vậy, giới chuyên gia dự báo năm 2025 thị trường địa ốc mới ấm trở lại.