Đón xuân 2024, TP. HCM quyết chi tiền khủng làm hàng loạt dự án giao thông
TP. HCM đã lên kế hoạch chuẩn bị “dài hơi” cho hạ tầng giao thông trong 7 năm liên tiếp, từ 2024-2030 với hàng loạt dự án trọng điểm.
Trong tờ trình khẩn của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. HCM gửi UBND TP về việc ban hành kế hoạch đầu tư các dự án chiến lược của ngành giao thông trong giai đoạn 2024-2030 có 59 dự án giao thông trọng điểm được đưa vào danh mục đề xuất ưu tiên bố trí vốn, tập trung thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2024-2030 sắp tới.
Dự kiến có 4 đường cao tốc, 3 đường quốc lộ, 5 đường vành đai, 8 nút giao, cầu, 25 dự án đường xuyên tâm trong danh mục 59 dự án trọng điểm được TP. HCM ưu tiên tập trung, ghi vốn thực hiện từ năm 2024.
Nhu cầu vốn cho những dự án trên là hơn 231.000 tỷ đồng, với vốn ngân sách chiếm 156.500 tỷ đồng (67%).
Cụ thể, có dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, tổng vốn hơn 20.100 tỷ đồng; cao tốc TP. HCM - Chơn Thành (đoạn đường dẫn qua TP. Thủ Đức), tổng vốn hơn 1.940 tỷ đồng; dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP. HCM - Trung Lương, tổng vốn hơn 2.350 tỷ đồng; mở rộng đường dẫn cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 TP. HCM), tổng vốn 1.037 tỷ đồng...
Danh mục cũng bao gồm các dự án khép kín 3 đoạn Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội), vốn hơn 9.300 tỷ đồng; đoạn phía Đông từ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, vốn hơn 4.500 tỷ đồng; đoạn từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh, tổng vốn 13.000 tỷ đồng.
Một số công trình cầu đường đáng chú ý khác như: cầu Thủ Thiêm 4, vốn 5.700 tỷ đồng; cầu Cần Giờ, vốn hơn 10.500 tỷ đồng. Dự án xây hầm chui đường Tôn Đức Thắng (quận 1) hơn 1.500 tỷ đồng; xây đường ven sông Sài Gòn (qua quận Bình Thạnh) hơn 3.380 tỷ đồng.
Giai đoạn 2024-2030, TP cũng xác định ưu tiên các tuyến đường trục chính, xuyên tâm như: xây cầu đường Nguyễn Khoái, tổng vốn hơn 3.700 tỷ đồng; mở rộng đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) hơn 2.300 tỷ đồng; mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) 4.100 tỷ đồng; xây cầu đường Bình Tiên (nối quận 6, 8, Bình Chánh) hơn 6.200 tỷ đồng; nâng cấp đường trục Bắc - Nam (quận 7, Nhà Bè) hơn 5.000 tỷ đồng; xây đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu đến Vành đai 3 TP. HCM hơn 8.700 tỷ đồng...
Ngoài ra, còn có dự án đường trên cao số 5 (TP. Thủ Đức, quận 12) hơn 15.400 tỷ và đồng loạt dự án xây các nút giao khác mức liên thông; nút giao Đài Liệt Sỹ; xây bến xe miền Tây mới khoảng 1.400 tỷ đồng...
Danh mục trên được Sở GTVT TP lập ra nhằm tham mưu TP. HCM ưu tiên bố trí nguồn vốn, kêu gọi đầu tư, áp dụng chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98, đảm bảo mục tiêu hoàn thành dự án theo quy hoạch chung.
Sở GTVT TP dự kiến chia làm hai giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 2024-2025, TP tập trung công tác chuẩn bị đầu tư cho 51 dự án; Đẩy nhanh tiến độ 19 dự án trong số này đã được bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, TP cũng triển khai các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư.
Giai đoạn 2026-2030, TP hoàn thiện các bước tiếp theo của dự án, đưa công trình vào sử dụng.