Đông Bắc Việt Nam: Địa bàn ưa thích, các đại gia Hàn Quốc chọn đặt 'đại bản doanh'
Với lợi thế về vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường; phát triển năng lượng sạch; tài chính... vùng Đông Bắc có sức hấp dẫn lớn và các nhà đầu tư lớn Hàn Quốc chọn đặt cơ sở sản xuất.
Trong các địa phương thu hút thành công các tập đoàn Hàn Quốc lớn phải để đến Hải Phòng. Tại thành phố Cảng, Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng đầu cả về vốn lẫn số dự án.
Trong tổng số 80 tỷ USD Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thì có tới gần 10 tỷ USD là đầu tư vào thành phố Hải Phòng. Thành phố Hải Phòng hiện có 178 dự án đến từ Hàn Quốc (chiếm 21% tổng số dự án FDI) và tổng vốn đầu tư là 9,7 tỷ USD (chiếm 39,6% tổng số vốn FDI).
Tính riêng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, Hàn Quốc là quốc gia hiện đang đứng vị trí số một về số dự án và tổng vốn đầu tư với 106 dự án (chiếm 60% tổng dự án Hàn Quốc tại Hải Phòng); với tổng vốn đầu tư là 8,65 tỷ USD chiếm 37,6% tổng vốn đầu tư FDI toàn khu công nghiệp, khu kinh tế.
Điển hình là sự gia tăng đầu tư của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại Hải Phòng khi ông lớn về công nghệ, điện tử và công nghiệp chọn thành phố Cảng đặt đại bản doanh.
Năm 2013, các doanh nghiệp của Tập đoàn LG "đặt chân" đến Hải Phòng với dự án khởi đầu là Công ty LG Electronics có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Năm 2016, Tập đoàn LG triển khai dự án thứ 2 là LG Display với tổng mức đầu tư lần đầu 1,5 tỷ USD. Cùng năm, thành phố trao chứng nhận đầu tư dự án thứ 3, dự án LG Innotek với tổng mức đầu tư 0,5 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của Tập đoàn LG lên mức 3,5 tỷ USD.
Các năm sau đó, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn LG liên tục tăng vốn đầu tư, mở mang nhà máy, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Hàn Quốc cũng đứng đầu trong 39 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh với 960 dự án, tổng vốn đầu tư đạt trên 14,34 tỉ USD, chiếm 60% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh, tạo việc làm cho trên 150.000 lao động. Bên cạnh đó, có trên 6.400 người Hàn Quốc đang làm việc và sinh sống tại tỉnh Bắc Ninh, chiếm 48% số lao động người nước ngoài tại tỉnh.
Năm 2022, các doanh nghiệp Hàn Quốc nộp ngân sách 10.461 tỉ đồng, chiếm khoảng 34,5% nguồn thu ngân sách toàn tỉnh.
Các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Bắc Ninh phải kể đến: Tập đoàn Samsung, Intops, Hanwha Techwin, Amkor, Hana Micron, CrucialTec, Hyosung…
Sau 15 năm, Samsung hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư tăng gấp gần 30 lần, lên tới khoảng 20 tỉ USD vào cuối năm 2022. Trong đó, riêng tại Bắc Ninh là hơn 9,3 tỉ USD.
Địa phương tiếp theo thu hút đầu tư mạnh từ Hàn Quốc là Hải Dương. Tại Hải Dương, Hàn Quốc đứng thứ nhất về số lượng dự án, đứng thứ 3 về vốn đầu tư, chiếm khoảng 30% vốn FDI.
Hải Dương hiện đang quy hoạch và triển khai 21 khu công nghiệp, diện tích quy hoạch khoảng 4.000 ha... Ngoài ra, Hải Dương có 6 khu công nghiệp với diện tích khoảng 1.200 hecta, đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để đón các nhà đầu tư đó là khu công nghiệp An Phát, Đại An, Phúc Điền, Gia Lộc, Kim Thành…
Trong giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh cũng đã quy hoạch vùng công nghiệp động lực kết nối thuận lợi Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh với diện tích khoảng 10.000 hecta. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư FDI.
Tại tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư 342 dự án với tổng số vốn đăng kí đạt khoảng 2,2 tỷ USD, đứng đầu về số dự án và đứng thứ hai về tổng vốn đăng kí trong tổng số 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Giang tập trung ở các lĩnh vực: Điện tử, sản xuất linh kiện hỗ trợ cho những DN lớn như Samsung, Foxconn
Trong đó có một số dự án quy mô vốn tương đối lớn của các nhà đầu tư Hàn Quốc như: Dự án nhà máy sản xuất Hana Micron Vina của Công ty Hana Micron Vina với tổng vốn đầu tư 591 triệu USD thực hiện tại Khu công nghiệp Vân Trung; dự án xây dựng nhà máy Siflex của Công ty TNHH Siflex Việt Nam với tổng vốn đầu tư 216 triệu USD thực hiện tại KCN Quang Châu.