Đồng bằng sông Cửu Long: Đô thị hóa cần thích ứng với biến đổi khí hậu

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, các vấn đề về biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang trở thành mối đe dọa cho tiến trình phát triển khu vực này.

5 lý do đồng bằng sông Cửu Long cần được lập quy hoạch vùng

Theo Quyết định số 825 ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025, sáng ngày 12/10, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại Vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Đồng bằng sông Cửu Long: Đô thị hóa cần thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại Vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành, hội nghề nghiệp và 13 tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý để thúc đẩy liên kết vùng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Hệ thống đô thị trong vùng sẽ từng bước được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đô thị trung tâm vùng được tổ chức phân bố để trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam tổ quốc”.

Cũng tại hội thảo, đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã trình bày 5 lý do và sự cần thiết lập quy hoạch Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ nhất, định hướng không gian và phát triển hệ thống đô thị Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm thực hiện các chiến lược mới của quốc gia về phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, định hướng không gian và phát triển hệ thống đô thị Vùng đồng bằng sông Cửu Long tích hợp quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch chuyên ngành và kết nối các dự án phát triển của Vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành trong vùng.

Thứ ba, định hướng không gian và phát triển hệ thống đô thị Vùng đồng bằng sông Cửu Long khắc phục những hạn chế trong công tác lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch hiện nay, thực hiện Luật Quy hoạch mới.

Thứ tư, định hướng không gian và phát triển hệ thống đô thị Vùng đồng bằng sông Cửu Long góp phần giải quyết các thách thức trong thực trạng phát triển Vùng.

Thứ năm, định hướng không gian và phát triển hệ thống đô thị Vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm phát huy tiềm năng tự nhiên độc đáo của Vùng và nâng cao vai trò vị thế của Vùng đồng bằng sông Cửu Long trong vùng quốc gia và quốc tế.

Đồng bằng sông Cửu Long: Đô thị hóa cần thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo.

Đô thị hóa không quên thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhìn nhận rõ vấn đề môi trường đang đe dọa đồng bằng sông Cửu Long, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng khẳng định: “Ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thiên tai cần được thực hiện ở tất cả các cấp độ, từ quản lý tổng hợp cấp vùng, trên phạm vi lưu vực đến từng tỉnh, từng đô thị, khu dân cư đô thị - nông thôn; lồng ghép từ trong các nội dung quy hoạch không gian lãnh thổ, quy hoạch sử dụng đất đai đến thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật”.

Theo bà Lan Anh, phát triển đô thị - nông thôn thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần đặt trọng tâm là phòng chống ngập lụt, sạt lở; kết hợp đa ngành, trong đó trọng tâm phối kết hợp với các ngành thủy lợi và môi trường. Trước những tác động cực đoan, khó lường của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thiên tai, trước điều kiện thiếu thông tin dữ liệu tổng hợp, việc rà soát các Quy hoạch là hết sức cần thiết, đảm bảo các giải pháp quy hoạch được thực hiện hợp lý và “không hối tiếc”.

Đại diện phía Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ gây ra hai thách thức nghiêm trọng nhất cho Vùng đồng bằng sông Cửu Long là: ngập vào mùa mưa và xâm nhập mặn vào mùa khô.

Về các khu vực chịu tác động ngập lụt đến 2050, kịch bản trung bình của Việt Nam dự báo nước biển dâng 30cm đến 2050. Một phần lớn lãnh thổ bị ngập theo mùa, với độ sâu ngập từ 0,2m đến 4m. Khu vực chịu ngập gia tăng nghiêm trọng nhất là Đồng Tháp Mười, rồi đến Tứ giác Long Xuyên. Các khu vực ven biển Đông cũng chịu tác động ngập.

Về các khu vực chịu tác động xâm nhập mặn đến 2050, xâm nhập mặn sẽ là thách thức lớn nhất cho Vùng đồng bằng sông Cửu Long, nó sẽ tác động đến toàn bộ vùng ven biển Đông, hầu hết bán đảo Cà Mau, dải ven biển Tây (hơn 24g/l). Nước biển dâng (30cm đến 2050) đẩy xâm nhập mặn sâu hơn trong đất liền dọc theo các nhánh sông, đặc biệt vào mùa khô khi lưu lượng dòng chảy trên sông Mekong thấp nhất, làm nhiễm mặn các khu vực canh tác rộng lớn.

Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng chỉ rõ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai. Các hiện tượng như nhiệt độ tăng, nước biển dâng, sụt lún nền đất, lũ lụt, hạn hán và nhiễm mặn xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật, làm mất an toàn, xáo trộn cuộc sống người dân.

Với những điều kiện bất lợi về địa chất, địa chất thủy văn, việc xây dựng hệ thống hạ tầng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật, phục vụ quá trình đô thị hóa khu vực này./.

Kiều Trang- Việt Khoa

Theo Reatimes