Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều khu đô thị vô chủ

Đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận là khu vực liên tục mọc lên ngày càng nhiều khu đô thị, khu dân cư. Thế nhưng rất nhiều trong số đó vẫn như vô chủ.

Khu đô thị Nam Cần Thơ (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) rộng hơn 2.000 ha là một trong những khu đô thị lớn nhất tại ĐBSCL, với nhiều lợi thế nằm cạnh đường nam sông Hậu, ven sông Hậu, cầu Cần Thơ… Nhưng tại đây cũng chỉ mới có một vài dự án có dân cư, còn lại hầu hết các dự án mới chỉ phân lô nền hoặc xây nhà thô, không người sinh sống.

Thưa thớt người ở

Khu đô thị Nam Cần Thơ hiện có 26 chủ đầu tư đang thực hiện 30 dự án, tổng diện tích hơn 1.370 ha. Trong đó chỉ có 7 dự án cơ bản hoàn thành, các dự án còn lại đang xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng hoặc bỏ trống, vì chưa có nhà đầu tư. Giám đốc một công ty có dự án tại khu đô thị này cho rằng, việc thành phố giao cho quá nhiều nhà đầu tư thực hiện dự án đã khiến cho dự án manh mún, kết nối hạ tầng giữa các dự án không đồng bộ.

Theo Ban quản lý khu đô thị Nam Cần Thơ, khu vực này trước đây là khu vực ngoại thành, hạ tầng kỹ thuật yếu kém nên rất khó thu hút nhà đầu tư. Do đó phải chia sẻ cho nhiều nhà đầu tư lớn, nhỏ, dẫn đến việc thi công không đồng bộ. Hơn nữa, theo quy hoạch, mật độ xây dựng tại khu đô thị Nam Cần Thơ tối đa chỉ 40% nhưng trên thực tế mật độ xây dựng ở nhiều dự án lên đến 50%, vì thế diện tích cho công viên cây xanh bị thu hẹp hoặc không còn. Ban Quản lý khu đô thị Nam Cần Thơ cũng cho biết, khi xin chủ trương đầu tư, có 17 dự án chủ đầu tư hứa xây dựng trường học, 50% dự án trong số này có cơ sở y tế… nhưng cũng không thấy đâu. Chính vì lẽ đó, tại khu đô thị này chỉ có khu dân cư Phú An, Nam Long… là có đông dân cư ở, còn lại rất ít người sinh sống.

Nằm ở phía bắc thành phố, khu dân cư Ngân Thuận (quận Bình Thủy) rộng 140 ha, theo quy hoạch, nơi đây sẽ có 6.000 nền nhà phố, có trường học cấp 2 và 3, trung tâm thương mại và nhiều tiện ích khác. Nhưng đến nay, khu dân cư nhà phố chỉ thưa thớt vài chục căn nhà và cũng không thấy trường học, trung tâm thương mại.

“Hẻo” vì thiếu đồng bộ

Cũng nằm cạnh sông Hậu, khu đô thị Bình Minh (Vĩnh Long) rộng 30 ha cũng chỉ lác đác vài chục căn nhà, còn lại đều là đất trống cỏ dại um tùm. Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cũng “đội sổ” với 6 dự án khu đô thị, khu dân cư mới với tổng diện tích trên 911 ha. Song tại nhiều khu đô thị công năng đã được biến đổi thành quán cà phê, sân bóng đá mini, quán nhậu…

Điển hình là khu đô thị Lấn Biển. Tại dự án này, do UBND tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư có hơn 6.000 lô nền đã được bán hết cách đây hơn 10 năm. Hiện 50% diện tích đất được người dân đầu tư xây dựng, nhưng trong số này chiếm đến ½ là khách sạn, nhà hàng, nhà xưởng, quán nhậu… Tại khu Lấn Biển giá đất hiện dao động từ 3 - 11 triệu đồng một m2, nhà xây thô giá thấp nhất cũng khoảng 700 triệu đồng một căn (một trệt, một lửng). Theo khảo sát, nhiều dự án khác tại đây cũng rơi vào tình cảnh tương tự, do những người có nhu cầu thật sự lại không đủ khả năng, những người có khả năng thì không có nhu cầu để ở, nên họ mua chỉ để đầu cơ hay chuyển sang công năng làm ăn.

Theo ông Phạm Văn Nhơn, Viện trưởng Kiến trúc quy hoạch thành phố Cần Thơ, quy hoạch chuyên ngành điện, nước… không có ngay từ đầu, khi thực hiện quy hoạch phân khu thì mạnh nhà đầu tư nào nấy làm, nên không đồng bộ. Ông Mai Như Toàn, Phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ cho rằng, do không có nhà đầu tư cấp 1 đầu tư cơ sở hạ tầng rồi mới giao cho nhà đầu tư triển khai, nên việc đấu nối hạ tầng không đồng bộ là chuyện đương nhiên. Ngoài ra, tại khu đô thị Nam Cần Thơ thời điểm các chủ đầu tư thực hiện dự án là trước khi Nghị định 181 ra đời, nên các chủ đầu tư phân lô rồi bán nền. Hiện các lô nền này đều có chủ nhưng chưa ai chịu vào cất nhà, vì thiếu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Theo Trung Dân
Đất Việt