Đồng loạt báo lãi trăm tỷ, công ty tài chính vào thời 'hồi sinh'

Kết thúc quý III năm 2024, nhiều công ty tài chính như FE Credit, HD Saison, EVN Finance đồng loạt báo lãi hàng trăm tỷ đồng.

Các công ty tài chính đua nhau báo lãi

Theo số liệu của SSI Research, lợi nhuận trước thuế trong quý III/2024 của FE Credit đạt 270 tỷ đồng, tăng gấp 60 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài mức nền thấp của năm ngoái, còn có nhiều yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của FE Credit trong quý vừa qua như thu nhập lãi thuần tăng 8,5% và thu hồi nợ xấu tăng 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng kỳ, HD Saison ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 327,7 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với cùng quý III/2023. Nguyên nhân chủ yếu là do NIM phục hồi, tăng 60 điểm cơ bản và thu nhập từ phí tăng mạnh 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng nằm trong danh sách lãi trăm tỷ trong quý III/2024, lợi nhuận trước thuế của EVN Finance đạt 226,5 tỷ đồng, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2024, lợi nhuận trước thuế của EVN Finance đạt 537,2 tỷ đồng, tăng từ 342,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vẫn chưa thoát lỗ song kết quả kinh doanh quý III/2024 của VietCredit cũng đã ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Cụ thể, mức lỗ của công ty đã giảm từ 62,38 tỷ đồng trong quý III/2023 xuống còn 36,5 tỷ đồng trong quý III năm nay. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của công ty cũng đã giảm hơn 30% nhờ thực hiện tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy và chi phí dự phòng giảm 14% khi tỷ lệ nợ xấu đang được cải thiện đáng kể.

Đồng loạt báo lãi trăm tỷ, công ty tài chính vào thời 'hồi sinh' - Ảnh 1

Ngoài tăng trưởng trong lợi nhuận, bức tranh ngành tài chính tiêu còn có thêm một điểm nổi bật khác là tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể. Tính đến hết quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit giảm xuống còn 18%, từ mức 23,6% trong quý II trước đó. Tại EVN Finance, nợ xấu đã giảm tới 32%, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm tới 71,5% trong 0 tháng năm 2024. Tương tự, nợ xấu của VietCredit giảm 53% xuống còn 399,9 tỷ đồng tính đến hết quý III/2024.

Ngoài ra, nợ khó đòi đã xử lý cũng tăng. Tại VietCredit, nợ khó đòi đã xử lý tính đến ngày 30/9/2024 đạt 868,2 tỷ đồng, tăng 93,7% so với đầu năm. Còn FE Credit thu được 1,3 nghìn tỷ nợ đã xử lý, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Vào giai đoạn “hồi sinh”

Qua giai đoạn trầm lắng năm 2022 – 2023, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn được đánh giá là mảng kinh doanh hấp dẫn trong dài hạn. Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đặc điểm nhân khẩu học tại Việt Nam là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.

Đồng quan điểm, FiinGroup đánh giá thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn đang có nhiều triển vọng phát triển khi quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới đạt trên 10% GDP – con số thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc với hơn 40% GDP, Hồng Kông (Trung Quốc) với hơn 20%,...

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Các chuyên gia FiinGroup còn cho rằng, triển vọng phục hồi đậm nét của nền kinh tế sẽ mở đường cho sự phục hồi của lĩnh vực tài chính tiêu dùng năm 2024 bởi sức mua được mở rộng, nhu cầu tín dụng gia tăng và thu nhập hộ gia đình cải thiện.

Ngoài ra, một số quy định mới được ban hành, như Thông tư 18/2024/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng, Nghị định 52/2024/ND-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, và các thay đổi liên quan đến giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng. Những thông tư này có tác động gián tiếp đến lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong bối cảnh sự gắn kết giữa công nghệ tài chính và các sản phẩm tín dụng cá nhân đang ngày càng gia tăng.

Mặc dù vậy, nhiều khó khăn của các công ty tài chính vẫn còn hiện hữu. Theo các chuyên gia phân tích của FiinGroup, những thách thức như cạnh tranh gia tăng, tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn và tác động của bão Yagi đối với một số khu vực nhất định có thể ảnh hưởng đến tốc độ và tính bền vững của quá trình phục hồi của các công ty này.

Phân khúc mục tiêu của các công ty tài chính là các đối tượng dưới chuẩn, có thu nhập thấp và trung bình – nhóm khách hàng dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế, chi phí sinh hoạt tăng và nợ tích lũy. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến việc mở rộng tín dụng và lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng.

Theo FiinGroup, để chuẩn bị cho giai đoạn “hồi sinh”, việc đi trước các xu hướng trong cho vay tiêu dùng là rất quan trọng vì thị trường đã bước vào chu kỳ tăng trưởng mới sau một thời gian điều chỉnh kéo dài. Các công ty tài chính sẽ củng cố các sản phẩm cốt lõi như 2WL, CDL, Thẻ tín dụng và Cho vay cá nhân, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để lấy lại đà tăng trưởng.

Khánh Tú

Theo ViẹtnamFinance