Đồng Tháp: Bộ GTVT ‘thúc’ khởi công dự án Quốc lộ 30 giai đoạn 3
Có hướng Tây Bắc - Đông Nam, quốc lộ 30 là tuyến giao thông trọng điểm cấp Quốc gia, nối các trục giao thông chính giữa hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Dự án nâng cấp đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự, Đồng Tháp (giai đoạn 3) của tuyến với tổng mức đầu tư 912,326 tỷ đồng đang rất chậm so với kế hoạch.
Chậm triển khai dự án dù đã hoàn tất giải phóng mặt bằng
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện nay dự án Quốc lộ 30 (giai đoạn 3), thuộc tỉnh Đồng Tháp có tiến độ thi công và giải ngân rất chậm dù công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất.
Cụ thể, dự án có 3 gói thầu xây lắp, trong đó 1 gói thầu xây lắp vừa được triển khai thi công ngày 25/7/2022, còn lại 2 gói thầu xây lắp đang lựa chọn nhà thầu (1 gói thầu mở thầu ngày 06/9/2022 và 1 gói thầu mở thầu ngày 19/9/2022), dự kiến khởi công trong tháng 9 và 10/2022. Tiến độ lựa chọn 2 gói thầu còn lại rất chậm so với kế hoạch.
Đại diện chủ đầu tư dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp - Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết, từ năm 2011 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, thi công một phần nền đường rồi tạm dừng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Sau đó dự án gặp khó khăn về nguồn vốn.
"Sau 10 năm dừng thi công, giai đoạn 1 (tuyến tránh thành phố Cao Lãnh) với chiều dài 14,5km đã được đưa vào sử dụng và giai đoạn 2 của dự án (đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự) đã chính thức khánh thành vào tháng 2/2022 với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Giai đoạn 3 (thảm nhựa nóng toàn tuyến) có tổng vốn đầu tư hơn 912 tỷ đồng, dự kiến mở gói thầu số 10 (217 tỷ đồng, thi công từ Km03+000 đến Km08+000) vào tháng 6/2022", vị đại diện này cho biết thêm.
Vị trí Quốc lộ 30
Theo kế hoạch Chủ đầu tư đã đề ra, quý III/2022, sẽ hoàn tất lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 9 Thi công đoạn Km0+000 – Km03+000 (242,505 tỷ đồng) và Gói thầu số 11 Thi công đoạn Km08+000 - Km14+564.42 (345,097 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đến nay, theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông – Bộ GTVT, thời hạn mở thầu đã qua nhưng vẫn chưa ghi nhận kế hoạch triển khai tiếp theo từ chủ đầu tư.
Đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công, sớm vận hành phục vụ người dân đất Sen hồng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối tháng 7/2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công là hơn 1.794 tỷ đồng, đạt 31,19% kế hoạch năm. Với khối lượng công việc còn lại đến cuối năm là rất lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng lộ trình thực hiện và phải tăng tốc, tăng thời gian thi công các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm.
Với tiêu chuẩn cấp III đường đồng bằng, mặt đường rộng 11 m, vận tốc thiết kế 80 km/h; trong đó, có hạng mục hầm chui dân sinh rộng 10,5m, cao 3m tại vị trí giao với đường Điện Biên Phủ, dự án Quốc lộ 30 (giai đoạn 3) là công trình trọng điểm cần sớm triển khai đúng tiến độ, đảm bảo kế hoạch giải ngân đầu tư công. Ngoài ra, khi đưa vào vận hành, dự án sẽ giúp giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông đi vào nội đô TP. Cao Lãnh, đồng thời hoàn thiện kết nối mạng lưới hạ tầng của cả khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương chia sẻ, quốc lộ 30 là tuyến đường trọng tâm, huyết mạch của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, nhiều năm nay tuyến đường này chưa đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, bên cạnh đó cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến nối 2 cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, Hiệp định liên vận Việt Nam - Campuchia chính thức có hiệu lực từ ngày 26/5/2019, mở ra nhiều cơ hội giao lưu hàng hóa với nước bạn Campuchia. Điều đó có nghĩa áp lực giao thông lên Quốc lộ 30, nhất là đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự càng tăng cao, đòi hỏi phải kịp thời hoàn thiện nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã cho biết, Quốc lộ 30 là một trong 10 dự án công trình giao thông trọng điểm cấp bách của cả nước được Chính phủ trình Quốc hội từ năm 2018. Đây là tuyến giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh Đồng Tháp nói riêng, khu vực nói chung. Bộ trưởng chỉ đạo, đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì vậy yêu cầu chính quyền địa phương, các đơn vị thi công phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình.