Đóng thuế lớn thứ 3 cho Nghệ An, Bia Sài Gòn - Sông Lam làm ăn ra sao?
Trước 2021, Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam (Upcom: BSL)không chỉ kinh doanh trồi sụt mà còn bị Cục thuế Nghệ An xử phạt, truy thu hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, BSL lại có kết quả kinh doanh khởi sắc và lọt top 3 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất cho Nghệ An.
Từng bị phạt, truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam được thành lập năm 2006, có trụ sở chính tại Khối 1, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Ngành nghề chủ yếu của Công ty là Sản xuất, kinh doanh Bia Rượu, nước giải khát…
Hiện công ty có vốn điều lệ 450 tỷ đồng. Trước đó, khi mới thành lập, Công ty đăng ký 250 tỷ đồng, đến năm 2008 nâng vốn lên 450 tỷ và giữ nguyên từ đó đến nay.
Năm 2017, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam đang ký giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 17.000 đ/CP, mã Chứng khoán BSL.
Tính đến quý III/2022, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam có tổng tài sản là 680 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dài hạn là 359 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn 320 tỷ đồng.
Với tổng nguồn vốn gần 680 tỷ đồng hiện tại, vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam này là 506 tỷ đồng trong khi nợ phải trả là 173 tỷ đồng.
Từ năm 2017 -2020, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Sông Lam đã có sự biến động lớn.
Cụ thể, từ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 863 tỷ đồng vào năm 2017 thì đến năm 2020 chỉ còn 700 tỷ đồng. Dù các năm 2018 và 2019 có sự mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2017.
Nếu so sánh năm 2019 (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 961 tỷ đồng), thì năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam đã giảm hơn 260 tỷ đồng, chỉ đạt 72,8% so với năm 2019 và đạt 92,3% kế hoạch đề ra năm 2020.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Bia Sài Gòn - Sông Lam đạt 48 tỷ đồng năm 2017, 32 tỷ đồng năm 2018 và lên đến 69 tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, tổng kết năm 2020, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Bia Sài Gòn - Sông Lam chỉ còn 34 tỷ đồng (giảm hơn 50% so với năm 2019).
Đến quý I/2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam mới chỉ đạt hơn 140 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 1,3 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty này chỉ còn vỏn vẹn hơn 1,0 tỷ đồng.
Trong những tháng đầu quý I/2021, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam bị Cục Thuế tỉnh Nghệ An xử phạt vi phạm hành chính về thuế với số tiền phải nộp là hơn 1,13 tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài phải nộp theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14…
Top 3 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất ở Nghệ An
Khác hẳn với nửa đầu năm 2021 trở về trước, nửa sau năm 2021 đến đầu năm 2022 tình hình kinh doanh của Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam khởi sắc và trở thành một trong 3 doanh nghiệp nộp ngân sách cao nhất cho Nghệ An (Đứng sau Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức với số tiền 1.820 tỷ đồng và Công ty xăng dầu Nghệ An với 941 tỷ đồng).
Theo số liệu của Cục thuế Nghệ An, năm 2021, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam đã đóng vào ngân sách nhà nước tại địa phương số tiền là 816 tỷ đồng.
Theo kết quả công bố trên sàn UPCoM, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam tăng trưởng trong năm 2021 và nữa đầu năm 2022 được thể hiện rõ rệt theo từng quý.
Cụ thể, doanh thu thuần của Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam trong quý III/2021 đạt 176 tỷ đồng thì quý IV/2021 đạt 181 tỷ đồng, đến quý I/2022 đạt 185 tỷ đồng và quý II/2022 đạt 242 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam trong quý III/2021 từ -17%, quý I/2022 tăng lên 31%.
Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 là 920,332 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2022, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam đã đạt doanh thu 72% kế hoạch đặt ra.
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam là 1 trong 26 Công ty con thuộc Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu – Nước giải khát Sài Gòn.
Vào năm 2006, BSL do 5 cổ đông sáng lập gồm: Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn; Công ty TNHH Cơ nhiệt điện lạnh Bách Khoa; Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hà Nội; CTCP Đầu tư 434 và CTCP Thương mại và Kinh doanh nhà H&F.
Hiện BSL được cấp 313.424 m2 đất tại Nghệ An, được dùng để đầu tư xây dựng nhà máy bia.