'Dòng vốn chảy vào startup sẽ sớm sôi động trở lại'
Chuyên gia cho rằng dòng vốn chảy vào các startup chắc chắn sẽ sôi động trở lại khi nền kinh tế ngày càng dựa vào đổi mới sáng tạo, trong khi startup là hình mẫu đại diện cho tố chất này, đặc biệt tại những thị trường đang phát triển nhanh như Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng từ nhiều biến động phức tạp, lượng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) đã giảm mạnh, trong đó có Việt Nam. Điều này không chỉ gây ra khó khăn cho các startup mà còn dấy lên lo ngại về việc dòng tiền sẽ “bỏ rơi” các nhà khởi nghiệp. Trước thực trạng này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hoà Chung, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Tư Nhân của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS).
Dòng vốn đổ vào các startup hiện nay ở Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung vẫn tiếp tục sụt giảm. Theo ông, liệu khẩu vị rủi ro của giới đầu tư đã thay đổi và không còn quá mặn mà với các khoản đầu tư mạo hiểm?
Ông Nguyễn Hoà Chung: Theo “Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024” do Do Ventures và NIC công bố, tổng số tiền đầu tư vào startup Việt Nam năm 2023 vào khoảng 529 triệu USD. Con số này chỉ bằng hơn 1/3 so với năm 2021, tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể so với những năm trước 2019. Điều đó cho thấy các startup Việt Nam vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sự sụt giảm dòng vốn đầu tư cũng được ghi nhận ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi năm 2023, số tiền đầu tư vào startup ở Việt Nam chỉ giảm 17%, thì khu vực Đông Nam Á giảm 51%. Do đó, tôi cho rằng không nên quá bi quan về thị trường Việt Nam.
Khẩu vị rủi ro của giới đầu tư không thay đổi trong những năm qua. Bản chất các quỹ đầu tư luôn hiểu rằng khoản đầu tư của họ là “đầu tư mạo hiểm” và luôn có rủi ro lớn. Tuy nhiên, điều thay đổi là họ khắt khe hơn trong việc đánh giá các con số dự phóng mà doanh nghiệp đưa ra.
Các nhà đầu tư đều mong muốn các khoản đầu tư có lãi, dù hiện tại có thể đang lỗ. Tuy nhiên, lợi nhuận phát sinh vào thời điểm nào, liệu startup có kế hoạch khả thi để hiện thực hóa điều đó hay không? Đây là thời điểm các nhà đầu tư đặt nhiều câu hỏi để hiểu và đánh giá năng lực thực thi của các nhà sáng lập và startup.
Trước đây, quá trình thẩm định có thể được làm qua loa do áp lực cạnh tranh, nhưng nay khi áp lực này không còn, các quỹ sẽ dành thời gian thẩm định kỹ hơn. Kết quả là nhiều startup có thể không đáp ứng được tiêu chí đầu tư của quỹ. Do đó, tiêu chí không thay đổi nhiều, điều thay đổi chính là sự thận trọng và kỹ lưỡng hơn trong quá trình đầu tư.
Theo ông, xu hướng sụt giảm này có đáng lo ngại không? Đâu là nguyên nhân khiến dòng vốn chậm lại đáng kể so với thời kỳ hoàng kim năm 2019?
Theo tôi, sự sụt giảm này chỉ mang tính ngắn hạn. Nhìn về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn là một môi trường hấp dẫn để đầu tư. Trước hết, Việt Nam là một quốc gia đông dân trong khu vực, với dân số tương đối trẻ và có một lực lượng lớn tầng lớp trung lưu đang hình thành. Theo “Báo cáo Thị trường tiêu dùng châu Á năm 2030” của HSBC, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 48 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và trung lưu cao, trong khi con số này ở Thái Lan, Philippines và Malaysia lần lượt là 38 triệu, 43 triệu và 20 triệu người.
Thứ hai, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và có thể nói là cả trên thế giới, với GDP dự kiến tăng 6% mỗi năm trong giai đoạn 2025 – 2030. Nếu nhìn vào quá khứ 30 năm (1991 – 2020), GDP của Việt Nam tăng trưởng trung bình 6,7%, cao thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đây là những con số rất ấn tượng. Do đó, tôi tin rằng khi vượt qua giai đoạn khó khăn chung này của cả khu vực, Việt Nam sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mới dồi dào hơn.
Bên cạnh đó, việc sụt giảm đầu tư trong thời gian qua cũng là một điều tốt cho các nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp, giúp họ học cách sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả. Trong các năm 2019 – 2020, thậm chí tới năm 2021, việc gọi vốn quá dễ dàng khiến các nhà khởi nghiệp đôi khi mới chỉ có một ý tưởng kinh doanh, chưa kiểm tra độ khả thi mà đã đi gọi vốn để đầu tư và triển khai, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Một số doanh nghiệp có ý tưởng tốt, nhưng việc gọi được quá nhiều vốn đôi khi khiến họ xao nhãng trọng tâm, đầu tư và thử nghiệm quá nhiều cùng lúc, dẫn đến không có đủ nguồn lực để thực hiện tốt nhất công việc của mình. Việc có quá nhiều tiền đôi khi cũng gây hại. Khi thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt, một số startup gặp vấn đề về vốn và phải tuyên bố đóng cửa là điều tất yếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chùn bước khi xem xét đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Giai đoạn này được ví như “mùa đông gọi vốn” của các startup. Theo ông, mùa đông gọi vốn sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới các startup ở vòng gọi vốn nào và ảnh hưởng chung tới các startup như thế nào?
Tôi cho rằng không có khái niệm mùa đông gọi vốn. Các startup tốt trên thị trường vẫn gọi được vốn và một số startup khác thì không cần gọi vốn nữa vì đã đạt được lợi nhuận rồi.
Tuy nhiên, tôi có thể đồng cảm với câu hỏi này và đánh giá thị trường hiện tại nếu muốn gọi vốn thì sẽ mất nhiều thời gian hơn trước đây và sẽ khó khăn hơn. Các nhà đầu tư, mặc dù còn rất nhiều tiền, nhưng sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn, chặt chẽ hơn trong góc nhìn cho những khoản đầu tư.
Tôi nghĩ điều kiện thị trường hiện nay ảnh hưởng tới startup ở tất cả các vòng gọi vốn. Từ vòng “thiên thần” khi mà các nhà đầu tư thiên thần thận trọng hơn với đồng tiền của mình, cho đến vòng pre-IPO và IPO (chúng ta cũng không thấy có nhiều các thương vụ IPO ở thế giới cũng như trong khu vực những năm vừa qua).
Theo ông, đây có phải thời điểm tốt để thanh lọc những startup không đủ sức khoẻ tồn tại? Hay ngược lại có thể khiến nhà đầu tư bỏ lỡ những startup tiềm năng?
Các startup tốt nhất sẽ vẫn tồn tại và chờ thời cơ phát triển hoặc vẫn phát triển, trong khi những startup không tiềm năng hoặc không có năng lực sẽ biến mất, tạo điều kiện cho những mầm non startup khác phát triển. Tuy nhiên, khó có thể nhận định được về phân khúc ở giữa – những startup không phải là tốt nhất nhưng cũng không phải tệ nhất. Đây là những startup sẽ phải đưa ra những quyết định rất khó khăn, đôi khi là quyết định có nên tiếp tục đi tiếp hay dừng lại trong bối cảnh gọi vốn và tình hình thị trường hiện nay.
Nhà đầu tư có thể đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào những startup tốt nhất, và phải đối mặt với quyết định có nên đầu tư vào những startup không phải tốt nhất nhưng có tiềm năng phát triển hay không. Với những startup mà nhà đầu tư đang cân nhắc này, không có câu trả lời đúng hay sai, hoặc ít nhất chúng ta cũng không biết được câu trả lời nào là đúng. Dù là khởi nghiệp hay đầu tư, chúng ta luôn phải đưa ra các quyết định khi không có đầy đủ thông tin và cũng không chắc được quyết định nào là đúng hay sai. Ở góc độ nhà đầu tư, bản thân TVS vẫn luôn tìm kiếm cơ hội để gặp gỡ và tìm hiểu các startup nhằm tránh bỏ lỡ cơ hội.
Các startup nên làm gì để sinh tồn và vượt qua giai đoạn này, thưa ông? Thu hẹp quy mô hoạt động và “nằm im” chờ thời có phải 1 phương án khả thi?
Để vượt qua giai đoạn này, các startup cần thẳng thắn xem xét lại toàn bộ hoạt động và chủ động tái phân bổ nguồn lực, tập trung cho mục tiêu sống còn là duy trì hoạt động liên tục. Việc thu hẹp quy mô hoạt động thường là lựa chọn đầu tiên của các startup, tuy nhiên, có một số cách tiếp cận khác cũng có thể xem xét.
Đối với các startup chưa có nguồn thu ổn định, việc hợp tác hoặc thậm chí bán cổ phần cho các đối tác lớn, có thể là các doanh nghiệp truyền thống với hệ sinh thái mạnh để cùng xây dựng và chuyển đổi một phân khúc thị trường trong một hợp tác win- win, cũng là một lựa chọn khả thi.
Hợp tác với các đối thủ cạnh tranh cũng là một giải pháp thay thế. Nếu hai startup có cùng tầm nhìn về một thị trường, các nhà sáng lập có thể chia sẻ tầm nhìn và tham vọng, cũng như sẵn sàng hợp tác với nhau. Việc hợp tác hoặc sáp nhập sẽ giúp tối ưu nguồn lực, giảm thiểu chi phí nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu hướng tới tầm nhìn ban đầu.
Đóng băng và chờ thời cơ có thể là giải pháp cuối cùng, tuy nhiên, các nhà sáng lập startup cần thẳng thắn nhìn lại và có cái nhìn khách quan nhất về sản phẩm hoặc dịch vụ mà mình đang xây dựng. Đôi khi, chúng ta đầu tư thời gian và nguồn lực để xây dựng một thứ mà có thể không ai cần đến hoặc thị trường không đủ nhu cầu. Khi thị trường chậm lại, đó là thời điểm tốt để các nhà sáng lập nghiên cứu thêm về các mô hình kinh doanh phù hợp hơn. Quyết định đóng cửa hoặc đổi hướng hoàn toàn startup của mình là rất dũng cảm, và nhiều khi lại là quyết định đúng đắn để tránh lãng phí nguồn lực của công ty và xã hội.
Có rất nhiều công ty lớn trên thế giới đã đổi hướng 180 độ và đạt được thành công, như Slack (công cụ giao tiếp trong môi trường làm việc) vốn là một công ty phát triển trò chơi, hay TikTok ban đầu là một công cụ giúp người đọc tiếp cận tin tức từ nhiều nguồn trên internet. Instagram cũng khởi đầu là một công cụ cho phép người dùng “check- in” tại các địa điểm và lập kế hoạch du lịch hoặc đi chơi cùng bạn bè. Đây đều là những công ty có khởi đầu rất khác với những gì họ đang làm bây giờ. Đây có thể là cơ hội cho chúng ta có những TikTok, Slack hay Instagram của Việt Nam.
Theo dự báo của ông, khi nào dòng vốn chảy vào các startup Việt sẽ nhộn nhịp hơn? Thời kỳ hoàng kim như năm 2019 liệu có trở lại?
Dựa trên các quan sát của chúng tôi, dòng vốn chảy vào các startup chắc chắn sẽ sôi động trở lại khi nền kinh tế ngày càng dựa vào đổi mới sáng tạo, trong khi startup là hình mẫu đại diện cho những tố chất này trong nền kinh tế, đặc biệt ở những thị trường đang phát triển nhanh như Việt Nam. Với dân số 100 triệu người, tầng lớp trung lưu tăng lên đáng kể và GDP tăng trưởng thuộc loại nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua (chỉ sau Trung Quốc), Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn cho đầu tư trong 5 năm tới, có lẽ chỉ sau Ấn Độ.
Tôi không dám chắc về thời gian chính xác khi dòng vốn sẽ chảy lại vào Việt Nam vì có quá nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường có thể sẽ sôi động trở lại vào cuối năm 2025, khi Mỹ đã có một khoảng thời gian hạ lãi suất điều hành vào cuối năm 2024 và trong năm 2025, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu.
Cảm ơn ông Nguyễn Hoà Chung vì những thông tin hữu ích ông đã chia sẻ!