CEO quỹ đầu tư BestB Capital lý giải nguyên nhân thất bại của các startup
Ông Phạm Anh Cường, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital đánh giá hiện có rất nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại của các dự án này không hề nhỏ.
Tỷ lệ DN mới giảm, tỷ lệ DN tồn tại được tăng
Lý giải nguyên nhân thất bại của các startup, ông Cường chỉ ra 9 nguyên nhân chính, gồm: hết tiền/không huy động được vốn mới (chiếm 38%); không có nhu cầu thị trường (chiếm 35%); vượt quá khả năng của doanh nghiệp (chiếm 20%); sai mô hình kinh doanh (chiếm 19%); các thay đổi về quy định/pháp lý (chiếm 18%); các vấn đề về giá cả/chi phí (chiếm 15%); các vấn đề về team/nhóm (chiếm 14); sản phẩm được sử dụng sai (chiếm 10); sản phẩm kém (chiếm 8%).
Đánh giá về thực trạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Cường cho biết tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ở Việt Nam cao hơn hầu hết các quốc gia OECD. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ này có phần chững lại, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại được lại tăng lên.
Ông Cường đặc biệt nhấn mạnh việc thiếu vốn là trở ngại với các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt là những doanh nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế.
Theo ông Cường, các nhà đầu tư có vai trò quan trọng trong cấp vốn giai đoạn ban đầu khi mô hình doanh nghiệp còn chưa được chuyên nghiệp hóa. Các quỹ và các nhà đầu tư trong nước còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, trong đó, khung pháp lý chưa tạo động lực để nhiều quỹ đăng ký, dẫn đến tổng đầu tư còn nhỏ.
Chính vì vậy, các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giúp doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ trong việc hoàn thiện ý tưởng, dịch vụ, mô hình kinh doanh và hỗ trợ kết nối đầu tư.
Đổi mới sáng tạo từ câu chuyện của Vinamilk, FPT...
Tại diễn đàn, GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dù đổi mới tăng trưởng theo truyền thống chuyển sang đổi mới khoa học công nghệ, hay đổi mới tăng trưởng dựa vào xu thể mới… đều phải thực hiện việc thay đổi toàn bộ cái cũ. Trước đây Việt Nam dựa vào tài nguyên, lao động… hiện nay phải dựa vào khoa học công nghệ, chuyển sang sạch, xanh…
“Chúng ta thường nói tới đổi mới mô hình tăng trưởng phải gắn liền với tái cấu trúc lại nền kinh tế, từ góc độ tổng thể kinh tế vĩ mô tới từng doanh nghiệp, cần lựa chọn cái gì cần giữ, cái gì cần bỏ đi”, ông Cường nói.
Dẫn chứng về tái cấu trúc đầu tư công, ông Cường cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất. Những năm qua đã có định hướng chuyển hướng đầu tư từ đầu tư phân tán, manh mún, chuyển sang đầu tư tập trung, theo lộ trình 5 năm, các dự án đã tập trung lại. Gần đây không phải chỉ có các dự án lớn mà còn đầu tư vào hạ tầng khung, đặc biệt là đường giao thông, cao tốc, trung tâm tạo ra trung chuyển logistics…
Bên cạnh đó, không chỉ duy trì cách đầu tư công truyền thống, tập trung vào các công trình, trong xu thế chuyển đổi, đầu tư công phải chuyển sang hướng tạo ra sự chuyển đổi trong các mô hình. Như hiện nay đang khuyến khích mô hình sản xuất xanh, sạch.
Trong khi đó, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết năm 2012, Quốc hội thông qua chương trình tái cấu trúc bao gồm 3 lĩnh vực đầu tư công, tín dụng, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Sau đó bắt nhịp cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo, startup, khởi nghiệp. Tuy nhiên bức tranh tổng thể mô hình tăng trưởng của chúng ta vẫn vậy, chưa có sự đột phá.
Theo ông Thành, nhìn câu chuyện của Vinamilk, FPT.. có rất nhiều đổi mới sáng tạo, sáng kiến bắt đầu từ chính cuộc sống. Sáng kiến hay nhất là khu công nghiệp sinh thái. Đây là mô hình khá thành công, thu hút các nhà đầu tư. Chưa cần đến các cơ quan chức năng hoàn chỉnh thể chế thì doanh nghiệp đã bắt đầu với mô hình này và đến nay có sự thành công nhất định.
Vấn đề thể chế, bộ máy, ông Võ Trí Thành cho rằng, bản chất là động lực. Một trong những biện pháp để thay đổi là thay đổi hành vi của công chức. Phải có cơ chế thưởng phạt, KPI đối với công chức.
Về vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong đổi mới sáng tạo, theo ông Thành đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam bắt kịp thế giới. Trong cuộc cách mạng lần này có nhiều loại hình, thích hợp với năng lực, đầu óc và văn hoá nghề nghiệp của người Việt. Do đó, Việt Nam cần phải chủ động, không chờ đợi để có thể bắt kịp được với thế giới.