DongA Bank: Vang danh một thời và số phận chìm nổi chưa lối thoát
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) từng là vang danh trong ngành ngân hàng Việt. Nhà băng này dưới thời ông Trần Phương Bình có những năm tháng thăng hoa nhưng lại tuột dốc, bị kiểm soát đặc biệt và buộc chuyển giao bắt buộc cho ngân hàng khác.
Một thời vang danh
Ngân hàng Đông Á được thành lập và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1992. Từ một ngân hàng nhỏ bé, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, DongABank đã trở thành nhà băng có quy mô vốn 5.000 tỷ đồng tính đến 31/12/2014. Trong đó, số vốn cổ phần của cổ đông pháp nhân chiếm 40,68% vốn điều lệ của DongA Bank. Tổng tài sản năm 2014 của Đông Á đạt 87.258 tỷ đồng.
Trong hơn 20 năm hoạt động, Đông Á từng nằm trong nhóm ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam về quy mô và uy tín hoạt động. Quyết định tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, tập trung vào khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã giúp thương hiệu DongABank nổi bật trên thị trường. Đây là một trong những nhà băng đi đầu về bán lẻ và áp dụng công nghệ thông tin.
DongA Bank từng được xem là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động, máy ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp… Với sự nổi bật về công nghệ đã giúp DongA Bank thu hút hàng triệu khách hàng cá nhân lựa chọn.
Năm 2005, khi mà công nghệ thẻ của các ngân hàng khác còn rất đơn giản, Đông Á đã có chuyên gia tầm cỡ quốc tế về thẻ. Ngân hàng này còn mời những Việt kiều giỏi đã từng làm việc lâu năm cho CitiBank về phụ trách trung tâm thẻ.
Từ 2003 đến 2007, DongA Bank đạt con số 2 triệu khách hàng sử dụng thẻ đa năng chỉ sau 4 năm phát hành thẻ, trở thành ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam.
DongA Bank cũng là ngân hàng đầu tiên phát triển 2 kênh giao dịch tự động và điện tử, đồng thời triển khai thành công dự án chuyển đổi sang core - banking, giao dịch online toàn hệ thống.
Giai đoạn 2008-2012, DongA Bank đã sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại. Số máy ATM lên tới 1,4 ngàn đơn vị, 1,5 ngàn POS.
Mảng huy động vốn của Đông Á cũng rất tốt. Lãi suất tiết kiệm cả ngoại tệ lẫn tiền đồng của ngân hàng này bao giờ cũng thấp hơn các nhà băng khác chút đỉnh, tỷ giá mua bán ngoại tệ không cạnh tranh nhưng họ có tỷ lệ tiền gửi của dân cư cao.
Thời gian đó, DongA Bank phát triển rực rỡ và được đánh giá là một trong những nhà băng có chất lượng dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam. Đến năm 2014, DongA Bank có trên 7,5 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, con số mà nhiều ngân hàng cổ phần mơ ước. Kết quả kinh doanh của DongA Bank trong thời điểm này cũng thuộc top dẫn đầu trên thị trường.
Trong giai đoạn 2006-2011, DongA Bank luôn tăng trưởng cao, cổ tức chi trả cho cổ đông thuộc tốp đầu.
Năm 2011, thu nhập lãi thuần của DongA Bank đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 80% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế lên tới gần 950 tỷ đồng. Đây là kết quả mà nhiều ngân hàng lớn cũng phải ghen tỵ.
Tuột dốc vì kinh doanh vàng
DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 14/8/2015 khi kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2012 trở về trước, nhà băng có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Đông Á.
Nguyên nhân DongA Bank tuột dốc được ông Trần Phương Bình thừa nhận và trong kết quả thanh tra là do “nợ xấu” khó đòi. Nhưng sâu xa hơn, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Đông Á đã “trượt chân” có phần nguyên nhân do kinh doanh vàng và không loại trừ khả năng kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài.
Chính vì được phép kinh doanh vàng tài khoản nước ngoài mà DongA Bank đã phải nếm mùi cay đắng khi giá vàng quốc tế giảm một mạch 450 USD/ounce chỉ trong năm 2013. Trước đó, năm 2012, DongA Bank đã chi hơn 450 tỷ đồng đầu tư vào vàng nhưng kết quả thu về chưa đủ bù chi phí, chỉ đạt 385 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tín dụng của DongA Bank thời đó cũng chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản sốt nóng. Tại Đại hội cổ đông năm 2015, nhiều cổ đông đã chất vấn về các khoản nợ xấu của DongA Bank. Những khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng tại một doanh nghiệp bất động sản và những khoản vay mới được xới lên.
Kể từ thời điểm bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đến nay, DongA Bank không còn công khai báo cáo tài chính. Bản báo cáo tài chính gần nhất được ngân hàng công bố là năm 2014, trước thời điểm ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Kết quả kinh doanh 2014 cho thấy, DongA Bank chỉ đạt 7% kế hoạch đề ra. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 35 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2013. Thu nhập lãi ròng của ngân hàng này cũng rớt mạnh còn chưa tới 1.500 tỷ đồng vào năm 2014. Với kết quả này, DongA Bank không trả cổ tức cho cổ đông.
Hoạt động cho vay tại DongABank chìm trong sụt giảm suốt nhiều năm và chỉ mới có dấu hiệu tăng trưởng thời gian gần đây.
Trong lần hiếm hoi hé lộ thông tin vào tháng 3 năm 2023, DongA Bank chia sẻ về hoạt động của năm 2022 với những chỉ tiêu tích cực. Dư nợ cho vay năm 2022 của DongA Bank đạt 102% kế hoạch năm. Huy động vốn từ khách hàng đạt 98% kế hoạch năm, trong đó riêng tiền gửi tiết kiệm tăng 11% so với đầu năm 2022.
DongA Bank là 1 trong 4 ngân hàng sẽ được chuyển giao bắt buộc trong thời gian tới.
Trong báo cáo vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank).
Riêng với Ngân hàng Đông Á, do vốn chủ sở hữu của ngân hàng bị âm nên theo quy định, NHNN phải chuyển giao bắt buộc DongA Bank cho ngân hàng khác.
Trên thị trường xuất hiện thông tin DongA Bank sẽ về cùng nhà với một ngân hàng cổ phần khác có trụ sở trên địa bàn TP.HCM để tái cơ cấu nợ. Nhưng hiện thông tin trên vẫn chưa được NHNN cũng như 2 ngân hàng tiết lộ.