Dự án bệnh viện nghìn tỷ dở dang lãng phí, Bộ Xây dựng yêu cầu tháo gỡ vướng mắc
Bộ Xây dựng sẽ tiến hành các biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho một loạt dự án trọng điểm đang trong tình trạng thi công dang dở, bao gồm Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và dự án chống ngập úng khu vực Tp. Hồ Chí Minh.
Bộ Xây dựng vừa ban hành văn bản triển khai Chỉ thị số 8/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu rà soát các dự án kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Văn bản nêu rõ, Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương cập nhật, bổ sung đầy đủ các nội dung, thông tin báo cáo theo yêu cầu tại Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 và Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 8/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng, chống lãng phí, thất thoát.

Trước đó, công điện 112 đã chỉ ra nhiều công trình dự án chưa được các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị kịp thời tháo gỡ khó khăn, để tồn đọng, dừng thi công kéo dài như dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, dự án chống ngập úng khu vực Tp.HCM, Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem…
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, các dự án nghìn tỷ này kéo dài không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và công tác phòng chống thiên tai. Bộ sẽ phối hợp với các bên liên quan để tìm ra phương án tối ưu, đảm bảo các dự án sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, sửa đổi các thủ tục hành chính rườm rà, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông, ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính theo quy định; 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, trong đó thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giúp minh bạch hóa thông tin, giảm thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, đồng thời là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống lãng phí ở tất cả các cấp.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng lưu ý các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát; đồng thời, đồng bộ hóa hạ tầng số, liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan để tránh tình trạng mỗi đơn vị vận hành một hệ thống riêng lẻ, dẫn đến phân mảnh dữ liệu, gây khó khăn trong quản lý và khai thác thông tin.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí.
Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để nâng cao hiệu quả công tác này. Thống nhất nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của việc phòng, chống lãng phí.
Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống lãng phí, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị liên quan một cách quyết liệt và hiệu quả.
“Các cơ quan thanh kiểm tra phải phối hợp chặt chẽ, chủ động vào cuộc ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để kéo dài, gây lãng phí, bức xúc trong dư luận”, Bộ Xây dựng nêu rõ.