Dự án Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng: Sự thật bất ngờ về chủ đầu tư
TNNĐ- Theo danh sách Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM mới công bố, cổ phiếu Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (chủ đầu tư dự án Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng) không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ vì báo cáo lợi nhuận sau thuế của Công ty này trong báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm đang bị âm gần 8 tỷ đồng.
>>> Dự án Rivera Park Hà Nội: "Nhà đầu tư ơi, đường về nhà luôn tắc"
Hết hạn, dự án vẫn nằm trên giấy
Công ty CP Đầu tư & Phát triển đô thị Long Giang và Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương (Vinaremon) là hai nhà đầu tư dự án Rivera Park Hà Nội (69 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân). Dự án được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 7/9/2010.
Tên gọi đầy đủ của dự án là Tổ hợp Trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở. Dự án được cấp phép cao 22 tầng và 2 tầng hầm, tổng vốn đầu tư dự kiến là 759 tỷ 866 triệu đồng. Trong đó, vốn tự có của Công ty CP Đầu tư & Phát triển đô thị Long Giang là 112 tỷ 500 triệu đồng, vốn vay là 255 tỷ đồng, vốn huy động là 392 tỷ 366 triệu đồng.
Dự án Rivera Park Hà Nội 69 Vũ Trọng Phụng từng chậm tiến độ
Dự kiến dự án được thực hiện trong vòng 3 năm, từ 2010 đến 2013 (bàn giao vào tháng 1/2013). Nếu chủ đầu tư không thực hiện đủ các trách nhiệm và vi phạm các quy định hiện hành của Nhà nước thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
Theo Giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư chỉ nắm trong tay một số tiền rất nhỏ trong tổng số tiền thực hiện dự án, thấp hơn rất nhiều vốn đi vay và vốn huy động. Và kết quả là, hết thời hạn thực hiện được ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, dự án vẫn nằm im trên giấy.
Dù không thực hiện đúng tiến độ, thế nhưng ngày 28/7/2014, UBND TP Hà Nội vẫn tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 cho Công ty CP Đầu tư & Phát triển đô thị Long Giang và Công ty Vinaremon.
Lần này, dự án được dự kiến khởi công vào quý I/2015 và hoàn thành quý II/2017. Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh “nắn gân” chủ đầu tư: chủ đầu tư phải có trách nhiệm triển khai theo đúng tiến độ điều chỉnh đã đăng ký. Trong trường hợp, nhà đầu tư tiếp tục chậm triển khai không đúng tiến độ cam kết, UBND TP Hà Nội sẽ kiên quyết chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định tại điều 68, Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ…
UBND TP cũng đồng ý phương án điều chỉnh, cho phép điều chỉnh quy mô xây dựng dự án với 2 khối 24 tầng (bao gồm cả tầng kỹ thuật và tầng tum) nâng số lượng căn hộ từ 400 căn lên 666 căn, tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 1.327,98 tỷ đồng.
Dù UBND TP Hà Nội có đưa ra điều khoản để “nắn gân” chủ đầu tư nếu chậm trể thực hiện dự án, thế nhưng đến tháng 12/2015, chủ đầu tư mới bắt đầu khởi công dự án. Nghĩa là, chậm hơn so với Giấy chứng nhận điều chỉnh gần 3 quý. Đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang thi công các hạng mục thấp, tiến độ thi công rề rà.
Chủ đầu tư làm ăn thua lỗ?
Theo Chi cục thuế quận Thanh Xuân (Hà Nội), chủ đầu tư dự án Rivera Park Hà Nội rất chậm trễ trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Theo đó, tính đến ngày 18/1/2016, số tiền thuế sử dụng đất của dự án Rivera Park Hà Nội là 184,514 tỷ đồng.
Các tuyến đường dẫn vào dự án Rivera Park Hà Nội ở 69 Vũ Trọng Phụng luôn ùn tắc
Theo quy định, kể từ sau khi nhận thông báo thanh toán 30 ngày, chủ đầu tư phải nộp 50% tổng số tiền và 60 ngày tiếp theo phải nộp 50% còn lại, thế nhưng đến 20/9, chủ đầu tư dự án mới hoàn thành số tiền này.
Dù vậy, tính đến ngày 31/8/2016, do nộp tiền muộn nên số tiền thuế phát sinh thêm là 12,803 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn chưa thanh toán số tiền nay.
Đáng lo ngại, chiều 1/9/2016, theo danh sách do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM công bố, cổ phiếu Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã LGL) không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ vì lợi nhuận âm (LGL báo lỗ 7,5 tỷ đồng).
Trong khi đó, theo Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư dự án Rivera Park Hà Nội tăng gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Việc chủ đầu tư làm ăn thua lỗ đến mức không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ khiến nhiều chuyên gia, giới đầu tư bất động sản lo ngại dự án khó có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Có mặt tại một sàn bất động sản để tìm hiểu dự án, ông Trần Đình Tiến (trú quận Thanh Xuân), cho rằng ưu điểm lớn nhất của dự án là nằm gần trung tâm thành phố. Anh Tiến cũng lo ngại xung quanh dự có rất nhiều dự án lớn, trường đại học, các tuyển đường dẫn vào dự án rất chất hẹp, như đường Vũ Trọng Phụng chỉ rộng chưa đầy 3m nên thường xuyên bị ùn tắc.
“Mật độ dân số khu vực dự án Rivera Park Hà Nội quá cao. Đáng lo ngại hơn, dự án đã một lần chậm tiến độ rồi, nay lại không được ký quỹ trên sàn chứng khoán, việc huy động vốn cũng gặp khó khăn nên không dám chắc dự án hoàn thành đúng tiền độ. Đầu tư tiền tỷ rồi ngồi chờ nhà thì rất nguy hiểm”, anh Tiến bày tỏ.
>>> Dự án Rivera Park Hà Nội chậm nộp hơn 12 tỷ đồng tiền sử dụng đất
Theo Lê Vũ - Hoàng Cư
Tạp chí Reatimes