Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: 'Đây là thời điểm vàng để đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân'
Theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập tập đoàn Sovico, đây là thời điểm vàng để để đầu tư vào doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, những người đã góp phần xây dựng một tương lai bền vững, nhân văn và thịnh vượng.
Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 (Techcombank Investment Summit 2025), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam đang quyết liệt thực hiện cơ cấu đổi mới kinh tế toàn diện và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực phát triển nhằm đạt được mục tiêu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo Phó Thủ tướng, thể chế đang có nhiều thay đổi, tạo động lực phát triển mới. Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập quốc tế trong tình hình mới, đột phá khoa học và công nghệ, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
“Đây là nền tảng quan trọng, kim chỉ nam để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành sửa 28 luật, mở đường thu hút các nguồn lực tập trung phát triển kinh tế đất nước, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính cũng như tháo gỡ khó khăn, rào cản để thu hút nguồn lực, công nghệ, tạo môi trường bình đẳng, minh bạch.

“Chính phủ sẽ kiến tạo một nền kinh tế hội nhập, bao trùm, cam kết đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài cũng như cam kết tháo gỡ khó khăn, giảm thủ tục hành chính tối thiểu 30% để thúc đẩy kinh tế bứt phá”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cải cách thể chế toàn diện và quyết liệt này, các chuyên gia đánh giá khu vực kinh tế tư nhân đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình mạnh mẽ, trở thành lực lượng chủ lực đóng góp cho sự tăng trưởng năng động và bền vững của nền kinh tế.
Từ góc độ doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập Sovico, cũng khẳng định vai trò thiết yếu của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước. Bà dẫn lại tinh thần Nghị quyết 68, trong đó nhấn mạnh khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời là lực lượng tiên phong trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Dẫn chứng về vai trò tiên phong của khối doanh nghiệp tư nhân, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã kể câu chuyện về Vietjet. Sau khi được niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2017, đến nay Vietjet trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân niêm yết có ảnh hưởng nhất trên thị trường.
“Những nhà đầu tư đồng hành cùng chúng tôi từ thời điểm IPO đến nay đã chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng khoảng 5 lần. Còn những ai tin tưởng và cùng đi từ giai đoạn sớm hơn, cách đây khoảng 5 năm trước IPO, thì mức tăng trưởng lên tới gần 100 lần”, bà Thảo chia sẻ.
Theo bà, sự tăng trưởng này không chỉ là thành quả tài chính, mà còn phản ánh tinh thần cống hiến, phụng sự: không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho cộng đồng và các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, nữ doanh nhân cũng khẳng định năng lực sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là không giới hạn và “chúng ta đang chứng kiến một thế hệ doanh nghiệp có tầm vóc, khát vọng và mang đậm bản sắc dân tộc”.
“Việt Nam hôm nay là một Việt Nam mới, năng động, đổi mới, tăng trưởng nhanh nhất khu vực, hội nhập sâu rộng, cải cách mạnh mẽ. Đây là thời điểm vàng để để đầu tư vào doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, những người đã góp phần xây dựng một tương lai bền vững, nhân văn và thịnh vượng”, bà Thảo nói.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner cho rằng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn đặc biệt, đòi hỏi những thay đổi căn bản trong cấu trúc kinh tế và mô hình tăng trưởng và ở đó, khu vực kinh tế tư nhân đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vai trò tiên phong.
Tuy nhiên, để biến tham vọng thành tăng trưởng thực chất, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng vẫn cần phải có nhiều hành động cụ thể.

Đầu tiên, theo ông Jens Lottner, Việt Nam cần hình thành dòng vốn đầu tư đủ mạnh để phục vụ cho phát triển, nhất là nguồn vốn dành cho hoạt động chuyển đổi như phát triển trung tâm dữ liệu, nâng cấp công nghệ và sản xuất, cải thiện cơ sở vật chất. Bên cạnh dòng vốn tín dụng, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển các thị trường khác như trái phiếu, crypto, hay sự tham gia của các quỹ đầu tư quốc tế và cả các tổ chức tài chính phát triển như IFC.
Bên cạnh đó, ông Jens Lottner cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò then chốt của công nghệ và chuyển đổi số trong việc thúc đẩy khu vực tư nhân tăng trưởng đột phá. “Chúng ta cần chuyển dịch trọng tâm từ mô hình tăng trưởng dựa vào khu vực quốc doanh sang phát triển khu vực tư nhân. Nhưng nếu muốn rút ngắn lộ trình này từ 30 - 35 năm xuống còn 5 năm, thì công nghệ và số hóa không phải là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc”, ông Jens Lottner khẳng định.