Dự báo kịch bản thị trường chứng khoán tuần 11 - 15/9

Tuần này, thị trường đón nhận thông tin hỗ trợ liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Một số nhóm ngành có thể "ăn theo" nhờ sự kỳ vọng về cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

 

Dự báo kịch bản thị trường chứng khoán tuần 11 - 15/9 - Ảnh 1
Thị trường chứng khoán trong nước ngược dòng thế giới bằng tuần tăng thứ 3 liên tiếp. (Ảnh minh họa)

Thị trường chứng khoán trong nước ngược dòng thế giới bằng tuần tăng thứ 3 liên tiếp, chỉ số Vn-Index đã có mức cao mới trong năm nay trước khi điều chỉnh ở 2 phiên cuối tuần.

Đà tăng diễn ra trên diện rộng và tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đáng chú ý là dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường, đẩy thanh khoản ở tuần sau kỳ nghỉ lễ lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 4 năm ngoái.

Chỉ số Vn-Index có thêm 17,43 điểm, tương đương tăng 1,42% và chốt tuần ở mức 1.241,48 điểm. Chỉ số này đã lập mức cao mới trong tuần vừa qua ở ngưỡng 1.255,11 điểm, trước khi quay lại kiểm tra vùng đỉnh tháng 8. Đây cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số này sau khi điều chỉnh mạnh hơn 54 điểm (-4,4%).

Mức tăng mạnh trong tuần vừa qua chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu Smallcap và Midcap với mức tăng lần lượt 3,23% và 2,76%, trong khi đó nhóm Bluechips (VN30) chỉ có mức tăng khiêm tốn 1,18%.

Nhóm cổ phiếu hóa chất nổi bật nhất trong tuần vừa qua nhờ: DPM (+9,47%), DCM (+9,19%), DGC (+5,6%),… sau loạt thông tin hỗ trợ đến từ việc Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu ure sau khi giá trong nước tăng vọt, một động thái có thể hạn chế nguồn cung và tăng chi phí cho nông dân ở những quốc gia nhập khẩu chính như Ấn Độ.

Ngoài nhóm cổ phiếu hóa chất đồng loạt tăng điểm thì nhóm cổ phiếu Bất động sản KCN cũng có tỷ suất lợi nhuận khá tốt trong tuần vừa qua nhờ sự dẫn dắt từ: KBC (+2,76%), LHG (+9,39%), SZC (+6,39%), VGC (+6,25%),… trong khi đó nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính như chứng khoán và ngân hàng lại có sự phân hóa và có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với thị trường chung.

Gây áp lực lên nhóm cổ phiếu ngân hàng là: CTG (- 0,46%), STB (-0,46%), TPB (-1,02%), EIB (-1,92%),… ngược dòng là các cổ phiếu nổi bật như: VCB (+0,45%), BID (+0,11%), MBB (+3,24%), TCB (+2,46%), VPB (+4,06%),…

Thanh khoản toàn thị trường tăng 23% so với tuần trước kỳ nghỉ lễ, lên 29.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh cũng tăng 23,7% đạt 26.840 tỷ đồng. Đây cũng là tuần thứ 9 liên tiếp thanh khoản thị trường luôn được duy trì trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên và cũng là tuần có mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 4/2022.

Theo thống kê, thanh khoản tuần đầu tháng 9 cao hơn 14% so với mức bình quân ở tháng 8 và thanh khoản bình quân quý 3 đang cao hơn 60% so với quý 2. Khối ngoại bán ròng 1.270 tỷ đồng ở tuần vừa qua, lũy kế kể từ đầu năm khối ngoại bán ròng 4.197 tỷ đồng, như vậy mạch bán ròng của khối ngoại kể từ tháng 4 đến nay đã lên mức 11.160 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Đáng chú ý, các quỹ ETF vẫn bị rút ròng tuần thứ 6 liên tiếp với giá trị 30 triệu USD, lũy kế các quỹ ETF vẫn ở trạng thái hút ròng 39 triệu USD. Các quỹ ETF bị rút ròng trong tuần vừa qua: Fubon (-19 triệu USD), Diamond (-5,25 triệu USD),… Các cổ phiếu hiện có tỷ trọng cao trong rổ ETF Fubon gồm: HPG (11,03%), VHM (10,3%), VIC (9,11%), VNM (8,52%), VCB (8,41%), MSN (8,02%),…

Thị trường tăng liền 3 tuần và thiết lập đỉnh cao mới sau nhịp điều chỉnh, thanh khoản toàn thị trường ở tuần sau kỳ nghỉ lễ 2/9 cũng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 (là thời điểm chỉ số VN-Index ở mức cao hơn hiện tại). Mặc dù đã xuất hiện nhịp rung lắc ở vùng đỉnh cũ nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng cho nhịp phân phối hay điều chỉnh ở chỉ số VN-Index. Mặc dù độ rộng thị trường khá tích cực ở tuần vừa qua nhưng có thể chia thành 2 nhóm cơ bản. Nhóm cổ phiếu đã vượt đỉnh trước thị trường tập trung ở nhóm Midcap (nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình), bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu vừa mới vượt đỉnh tập trung ở nhóm Smallcap (nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ) và nhóm cổ phiếu đang retest vùng đỉnh hoặc thấp hơn vùng đỉnh, tập trung ở nhóm cổ phiếu trụ hoặc VN30.

Tuần này, thị trường đón nhận thông tin hỗ trợ liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu tuần và các quỹ ETF sẽ tái cơ cấu vào cuối tuần. Một số nhóm ngành có thể "ăn theo" nhờ sự kỳ vọng về cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Việt Nam và Mỹ như: nhóm cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu (dầu khí, dệt may, thủy sản, logistics,…). Thực tế, thị trường cũng đã phản ánh kỳ vọng này trong thời gian gần đây ở một số cổ phiếu trong các nhóm trên, một số cổ phiếu đã có mức tăng khá mạnh. Bên cạnh đó, có thể các nhóm cổ phiếu theo sóng tăng của gia hàng hóa như sản xuất đường, hóa chất,…/.

Bình Nguyên

Theo Kinh doanh và Phát triển